Mô hình LEAN CANVAS vs mô hình CANVAS những điều cần chú ý khi xây dựng thực tiễn

MÔ HÌNH CANVAS  
Mô hình Canvas được đề cập từ 2004, ứng dụng mạnh mẽ từ 2008.

Mô hình kinh doanh Canvas được phát triển bởi Alexander Osterwalder, là một công cụ trực quan hiện đại trong những mô hình kinh doanh đang sử dụng ngày nay, thường được các nhà quản lý chiến lược sử dụng. Canvas cung cấp một cái nhìn tổng thể về doanh nghiệp qua 9 trụ cột và cực kì hữu dụng khi doanh nghiệp cần phân tích so sánh về tác động của gia tăng đầu tư lên bất kì nhân tố nào.

 9 trụ cột trong mô hình kinh doanh Canvas đại diện cho 4 mặt chính của một doanh nghiệp (khách hàng, giá trị, cơ sở vật chất và khả năng tài chính), bao gồm:

  1. Phân đoạn khách hàng (Customer Segments): Khách hàng là ai? Họ nghĩ gì, nhìn nhận gì, cảm nhận gì và làm gì?
  2. Giá trị cung cấp (Value Propositions): Công ty cung cấp những giá trị nào? Tại sao khách hàng mua và sử dụng?
  3. Kênh phân phối (Distribution Channels): Những giá trị này được quảng bá, bán hàng và giao hàng như thế nào? Tại sao? Có hiệu quả không?
  4. Quan hệ Khách hàng (Customer Relationship): Bạn đối xử với khách hàng như nào thông qua quá trình giao dịch của họ?
  5. Luồng doanh thu (Revenue Stream): Công việc kinh doanh này có doanh thu từ giá trị cung cấp như thế nào?
  6. Các hoạt động chính (Key Activities): Những chiến lược quan trọng nhất để bán những giá trị cung cấp là gì?
  7. Những nguồn lực chính (Key Resources): Những tài sản và nguồn lực quan trọng nhất mà công ty phải có để tạo ra năng lực cạnh tranh là gì?
  8. Những Đối tác chính (Key Partners): Những đối tác có liên quan đến cung cấp giá trị của doanh nghiệp bao gồm cả những đối tác cung cấp nguồn lực và thực hiện công việc kinh doanh.
  9. Cấu trúc chi phí (Cost Structure): Những chi phí chủ yếu của công ty là gì? Chúng có liên quan gì tới doanh thu?



 Tại sao nên sử dụng mô hình kinh doanh Canvas?

  •  Tư duy trực quan: Mô hình kinh doanh Canvas mang đến một cái nhìn trực quan giúp bạn dễ dàng cân nhắc và đưa ra quyết định. Nó đưa ra một bản phân tích gọn gàng về những yếu tố chính ảnh hưởng đến doanh nghiệp và làm rõ phương hướng của doanh nghiệp thông qua mô hình.
  • Nhanh chóng, tiện lợi: Nếu bạn in mô hình Canvas ra một tấm áp phích, nhân viên có thể dùng các mảnh giấy nhớ để dán lên đó những từ khoá chính và theo dõi tác động của chúng tới mô hình kinh doanh trong tương lai.
  • Nắm được mối quan hệ giữa 9 trụ cột: Mô hình kinh doanh Canvas cho phép bạn hiểu được mối liên hệ giữa 9 trụ cột và các phương pháp hữu ích có thể thay đổi  mối quan hệ giữa chúng nhằm tăng hiệu suất công việc. Với công cụ này, bạn có thể dễ dàng khám phá cơ hội hoặc phương án cải tiến mới.
  • Lưu thông dễ dàng: Canvas là một công cụ di động thuận tiện, cho phép truy cập và chia sẻ dễ dàng. Bạn có thể dễ dàng vẽ lại một mô hình Canvas hoàn chỉnh, hoặc đơn giản là truyền tay nhau giữa mọi người để ai cũng có thể nắm được ý chính cũng như bổ sung thêm thông tin nếu cần thiết.


MÔ HÌNH LEAN CANVAS
Lean Canvas là một biến thể của mô hình Canvas được Ash Maurya áp dụng và thử nghiệm với các Startup từ tháng 08/2010.

Thay vì lập ra một bản-kế-hoạch-hoàn-hảo ngay từ lần đầu hạ bút thì Lean Canvas hướng đến việc phát triển liên tục thông qua các bài kiểm tra thường xuyên và nhanh chóng các giả thiết ban đầu với thực tế trên thị trường và khách hàng. Lean Canvas là một phiên bản biến thể được Ash Maurya phát triển từ mô hình Business Model Canvas do Alexander Osterwalder đưa ra trong cuốn sách nổi tiếng có tên Business Model Generation.  Khác với mô hình Business Model Canvas được áp dụng  rộng rãi cho cả các doanh nghiệp mới và cũ (tham khảo mô hình Business Model Canvas của FacebooK và google tại đây) thì  Lean Canvas tập trung vào việc tiếp cận  từ khía cạnh tìm và giải quyết vấn đề nhằm phục vụ cho các đối tượng chính là các doanh nhân khởi nghiệp.


Thứ tự điền Lean Canvas

 Lean Canvas bao gồm 9 phần chính sau đây:

1. Problem: Vấn đề
Có rất nhiều StartUp thất bại bởi vì không xuất phát từ nhu cầu của thị trường. Bạn phải tìm kiếm và giải quyết một vấn đề đang tồn tại trên thị trường và điều đó phải đem lại giá trị cho khách hàng của bạn. Sau đây là 3 cách giúp bạn hoàn thiện nội dung phần này:
– Liệt kê ra 3 vấn đề mà StartUp của bạn giúp giải quyết nhu cầu cần đáp ứng của khách hàng.
– Liệt kê các giải pháp thay thế hiện có trên thị trường.
– Xác định vai trò của người dùng tương tác như thế nào với khách hàng. Ví dụ trong dịch vụ chia sẻ hình ảnh, khách hàng là người chụp ảnh nhưng những người dùng là người xem ảnh ( gia đình, bạn bè, …)

2. Customer segment: Phân đoạn khách hàng
Ai sẽ là khách hàng của bạn ? Bạn chọn phân khúc khách hàng nào ? Bạn phải làm rõ khách hàng mục tiêu mà bạn hướng đến. Đó có thể là ở thị trường đại chúng (mass market) , thị trường ngách (niche market) hay thị trường hỗn hợp (multi –sided market).

3.Unique Value Proposition (UVP) : Giá trị cốt lõi
Đây là phần quan trọng nhất của mô hình Canvas và cũng là phần khó diễn giải chính xác nhất. Bởi vì bạn phải chắt lọc những gì cốt lõi nhất của sản phẩm trong một vài từ, đồng thời nêu lên điểm khác biệt so với những đối thủ cạnh tranh. Nói cách khác, UVP là lí do để khách hàng sẽ chọn sản phẩm/ dịch vụ của bạn. Có thể đó là thiết kế độc đáo, giá cả tối ưu, vận chuyển nhanh chóng…Một số gợi ý để giúp bạn hoàn thành ô này :
– Đặt mình vào vị trí khách hàng và nhìn sản phẩm/ dịch vụ của mình dưới góc độ của họ.
– Tập trung vào những gì khách hàng sẽ nhận được sau khi sử dụng sản phẩm của bạn.
– Điểm khác biệt, lợi thế cạnh tranh so với những đối thủ trên thị trường.

4. Solution : Giải pháp
Khi bạn đã hiểu rõ được vấn đề ở phần 1, bạn sẽ phải đưa ra những giải pháp cho những vấn đề đó. Solution là nơi bạn thể hiện tính năng, đặc điểm chính, phương pháp của bạn mà qua đó, khách hàng sẽ nhận ra được các giá trị (UVP) của sản phẩm/ dịch vụ của bạn.

5. Channel : Kênh xúc tiến
Đây là cách kênh, phương thức mà bạn tiếp xúc với khách hàng của mình. Thông thường sẽ có 4 loại kênh chính mà bạn cần xác định: kênh truyền thông, kênh phân phối, kênh bán hàng, kênh hỗ trợ khách hàng. Bạn hãy nêu ngắn gọn phương thức mà bọn chọn trong từng loại kênh trên. Ví dụ truyền thông online hay offline, bán hàng riêng lẻ hay bán theo từng lô hàng….

6. Revenue Stream : Dòng doanh thu
Doanh thu của bạn sẽ được bắt nguồn từ đâu ? Lợi nhuận biên trên mỗi sản phẩm là bao nhiêu ? Bạn phải hiểu rõ được luồng lợi nhuận dự kiến thu được từ khách hàng của bạn theo tháng, quý, hay năm..

7. Cost structure : Cấu trúc chi phí
Mô tả tất cả các chi phí cần thiết để duy trì và điều hành một công việc kinh doanh. Bao gồm chi phí cố định và chi phí biến đổi.

8. Key metrics : Số liệu chính
Những con số thống kê sẽ giúp bạn nhìn nhận và đánh giá khách quan về tình hình kinh doanh của StartUp và cho biết bạn cần phải điều chỉnh gì. Bạn hãy chọn những chỉ tiêu đánh giá quan trọng phù hợp với lĩnh vực kinh doanh của mình chẳng hạn như lượt page view, lượt đăng kí mỗi ngày…

9. Unfair Advantages. Lợi thế cạnh tranh
Khái niệm này nhằm chỉ ra những thứ sẽ giúp bạn giành chiến thắng trước những đối thủ cạnh tranh. Là thứ mà không dễ để copy theo và chỉ có bạn mới có. Nó là một phần lợi thế cạnh tranh của bạn tạo nên. Đó có thể là nguồn lực về con người, công nghệ hay văn hóa công ty…


Việc xây dựng mô hình kinh doanh cần tập trung vào các điểm chính sau:

  • + Xác định rõ nội lực hiện tại
  • + Định hướng rõ đích đến
  • + Định tính thành con số, số liệu cụ thể
  • + Tập trung vào một số ít yếu tố chính có tác động và ảnh hưởng lớn
  • + Cập nhật thường xuyên mô hình



Nguyễn Trí Hiển
www.nguyentrihien.com
2019
edtech | elearning | giáo dục trực tuyến | startup | mentor | đầu tư giáo dục | educoin
Designed by OddThemes | Distributed by Gooyaabi Templates