Làm thế nào để xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến

Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, hạ tầng truyền thông và sự chuyển mình tất yếu của giáo dục, đào tạo Online đang mở ra nhiều cơ hội lớn. Bằng khả năng kết nối không biên giới, đào tạo Online đang là kênh marketing hiệu quả và nâng cao tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp tổ chức đào tạo.

 

Xây dựng hệ thống giáo dục trực tuyến cần những gì?

(1)   Giáo viên, cố vấn chuyên môn: nội dung là linh hồn. Những bài giảng tốt luôn được tạo bởi những giáo viên tốt và một quy trình chuyên nghiệp. Giáo viên trong bài giảng điện tử ngoài kiến thức chuyên môn cần rất nhiều thần thái trong quá trình giảng dạy, những ngôn ngữ, cử chỉ, lời nói phải súc tích ý nghĩa đem lại cảm giác như người học đang được giảng dạy cho chính riêng mình.

(2)   Hệ thống phòng quay, xử lý hậu kỳ. Mỗi một bài giảng được xem như một tác phẩm nghệ thuật. Khâu quay phim và xử lý hậu kỳ thực hiện việc chuyển đổi từ các bài giảng thực sang các bài giảng số với các giá trị đính kèm lớn gấp nhiều lần, tạo sự cuốn hút và truyển tài thêm nhiều thông tin cho người học. Yêu cầu của hệ thống phòng quay rất khắt khe: từ hệ thống cách âm để tránh các tạp âm nhiễu, tới phông nền hệ thống thực hiện trong các bài giảng chèn nền động hay các hệ thống ánh sáng, chất lượng máy quay … Đối với phần xử lý hậu kỳ đỏi hỏi tính sáng tạo cao, hệ thống máy tính mạnh mẽ và các phần mềm chuyên dụng… Toàn bộ khâu trên mới chỉ đơn thuần tạo thành tác phầm Video bài giảng. Đi kèm với bài giảng là các phần dàn ý bài, tóm tắt, học liệu tham khảo, kiểm tra, phần trao đổi thảo luận …

(3)   Hệ thống quản lý người học LMS (Learning management system). Hệ thống quản lý người học tạo ra một không gian điều hướng cho người dùng tham gia quá trình học tập. Hệ thống sẽ kết nối các bài giảng trong chủ đề, môn học, giúp kiểm tra tiến độ học tập của người dùng. Bên cạnh đó hỗ trợ người dùng trong vấn đề chọn lựa môn học cũng như tìm kiếm học liệu. Hệ thống LMS luôn phải đáp ứng các yêu cầu về: tính ổn định hệ thống, tính mạnh mẽ và tốc độ trong bài giảng, tính thân thiện với người dùng, tính bảo mật thông tin. Với các hệ thống quản lý người học mang tính thương mại cần thêm các kết nối thanh toán điện tử với các đối tác cung cấp dịch vụ.

Thông thường để xây dựng hệ thống bài giảng trực tuyến cần trải qua những bước sau:

(1)   Khảo sát và phân tích yêu cầu: Tại khâu này chúng ta cần biết được số lượng và nội dung bài giảng cần số hóa. Từ đó có một bức tranh tổng quan về tiến độ và yêu cầu. Ở bước này chúng ta cũng tiến hành các định hướng thu thập các học liệu đầu vào kèm theo nội dung bài giảng.

(2)   Xây dựng kịch bản: Bước đầu tiên chúng ta cần xây dựng kịch bản khung của bài giảng. Từ các dữ liệu thô ban đầu sẽ được nghiên cứu để phân cấp nội dung đi kèm với nhau, xác định cấu trúc thống nhất của bài giảng. Tiếp theo phần xây dựng đồ họa cho khóa học bao gồm từ việc sử dụng hình ảnh, logo đến cách sắp xếp font chữ, màu sắc cần hài hòa, thu hút người học. Bước tiếp theo là xây dựng kịch bản chi tiết từ kịch bản khung và các nội dung đã được phân cấp.

(3)   Phát triển nội dung: Quá trình phát triển nội dung bắt đầu từ việc quay phim, đến việc xử lý hậu kỳ và tích hợp nội dung vào video. Đây là một quá trình đòi hỏi tính chặt chẽ và sáng tạo.

(4)   Kiểm tra chất lượng và xử lý lỗi: Tất cả các bài giảng điện tử đều trải qua quá trình kiểm định chặt chẽ. Các nội dung kiểm định từ lỗi chữ, lỗi font, lỗi đồ họa đến âm thanh, logic vấn đề và các nội dung chưa tốt trong bài giảng.

(5)   Đóng gói bài giảng và Đưa bài giảng lên hệ thống: Quá trình này sẽ đưa bài giảng lên hệ thống và tích hợp các giải pháp thanh toán lên hệ thống. Là khâu cuối cùng trong việc xây dưng bài giảng trực tuyến.

Tất cả các nội dung trên đều cần phải thực hiện chuyên nghiệp để tạo ra bài giảng với chất lượng cao nhất hướng tới sự hài lòng của khách hàng.

Nguyễn Trí Hiển,

nguyentrihien@gmail.com
Designed by OddThemes | Distributed by Gooyaabi Templates