[Tham khảo] Những thách thức và cơ hội đào tạo trong thương mại điện tử


TS. Phùng Tuấn Anh, Đại học Thủy lợi,
Email: anhpt_kt@tlu.edu.vn



Tóm tắt: Trong bối cảnh phát triển hiện tại của nền kinh tế số, giáo dục về thương mại chuyển dịch sang giáo dục về thương mại điện tử nơi mà tiềm năng các hoạt động của kinh tế, thương mại được kích hoạt và phát triển mạnh mẽ trên nền tảng của khoa học công nghệ với yếu tố chính là công nghệ số. Hiện đang có rất nhiều cơ hội có sẵn để sinh viên được đào tạo về thương mại điện tử có thể tìm việc làm, thể hiện kiến thức và năng lực của họ có được trong quá trình học tập. Giờ đây sinh viên tốt nghiệp ngành thương mại điện tử có thể trở thành một doanh nhân giỏi dựa trên kiến thức và kỹ năng có được từ môi trường giáo dục có sự hợp tác toàn diện giữa các trường Đại học với các hiệp hội, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước sẽ giúp cho sinh viên nhanh chóng tiếp cận các khía cạnh thực tế của công việc song hành với kiến thức lý thuyết trong nhà trường.

Bài viết này trình bày những thách thức và cơ hội mang tính phổ quát trong giáo dục, đào tạo thương mại điện tử ở trên thế giới và Việt Nam, từ đó đề xuất một số định hướng mà chúng ta có thể phát triển chương trình đào tạo TMĐT ngày một hiệu quả và chất lượng hơn.
1.Đặt vấn đề

Thời gian gần đây, việc chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu trong hoạt động giáo dục – đào tạo nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, thúc đẩy xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời là xu thế của giáo dục thế giới. Những thách thức trong giáo dục đại học không còn chỉ tập trung vào từng quốc gia.

Với sự phát triển của công nghệ số – CNTT giáo dục đại học đứng trước bối cảnh thay đổi đối với công dân toàn cầu. Công nghệ số, xã hội số và nền kinh tế số đang buộc ngành giáo dục phải thay đổi theo nhu cầu của thời đại. Giáo dục chịu sự tác động của sự bùng nổ công nghệ và kiến thức trong tất cả các lĩnh vực. Chất lượng giáo dục thương mại nói chung và TMĐT nói riêng đã trở thành một vấn đề được quan tâm trong môi trường thay đổi. Nền kinh tế hiện nay đòi hỏi kỹ năng và kiến thức thường xuyên được cập nhật. Những thay đổi diễn ra rất nhanh và các khóa học cũng cần phải bắt kịp với những thay đổi đó.

Giáo dục không chỉ là phát triển kiến thức, mà ngoài ra còn tập trung vào phát triển kỹ năng hoặc hình thành nhân cách của học viên. Mục đích chính của giáo dục là giáo dục tất cả có cơ hội bình đẳng và coi đó như một phương tiện để thành công trong cuộc sống (Ramesh, 2017). Vai trò của công nghệ trở nên nổi bật trong các chương trình đào tạo thương mại điện tử, nhưng mức độ ưu tiên với các hàm lượng đào tạo khác nhau đã tạo ra các chương trình thương mại điện tử theo định hướng kinh doanh hoặc kỹ thuật nhằm đạt được các kết quả học tập khác nhau (Chan, 2001).

(Giáo dục (Education) được hiểu theo nghĩa chung là hình thức học tập theo đó kiến thức, kỹ năng và thói quen của một nhóm người được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua giảng dạy, đào tạo, hay nghiên cứu <theo Wikipedia>. Còn đào tạo đề cập đến một hành động khắc sâu các kỹ năng cụ thể ở một người. Trong bài viết này sẽ bàn sâu về giáo dục TMĐT và trong đó đã bao hàm khía cạnh đào tạo TMĐT.)

Sự phổ biến của công nghệ thông tin đã tác động đến mọi khía cạnh của cuộc sống của chúng ta; nó đã thay đổi cách chúng ta làm việc, tương tác với người khác, xử lý, phân tích và chia sẻ thông tin. Tiến hóa điện tử hay cách mạng điện tử (Palvia và Research, 2013) đã chứng kiến sự xuất hiện thư điện tử, thương mại điện tử, chính phủ điện tử và bây giờ là giáo dục điện tử – giảng dạy trực tuyến.

Trong khi tích hợp công nghệ thông tin (CNTT) đã diễn ra trong nhiều năm, những thay đổi trong mô hình giáo dục do những tiến bộ gần đây của công nghệ số có những bước tiến vượt bậc (Kumar và cộng sự, 2017). Khi các tổ chức trên toàn thế giới quan tâm với những tiến bộ này, nó đã tạo ra một bối cảnh giáo dục rất năng động, thu hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, nhà giáo dục, nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp.

Giáo dục thương mại có tầm quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế bền vững của mỗi quốc gia, đào tạo thương mại nói chung hay TMĐT nói riêng nhằm xây dựng một lực lượng nhân sự phù hợp với bối cảnh phát triển mới để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Mục tiêu phát triển quốc gia đòi hỏi hệ thống giáo dục và giảng viên trong nỗ lực tạo ra những thay đổi trong giáo dục thương mại nói chung và TMĐT nói riêng để đáp ứng với các kịch bản hiện đại. Kèm theo đó điều quan trọng là thế hệ sinh viên cần được trang bị các kiến thức về các tình huống kinh doanh trên cả phương diện lý thuyết và thực tiễn, đồng thời sinh viên cũng cần nỗ lực để phát triển các kỹ năng mềm và kỹ năng cứng cần thiết cho môi trường công việc sau này.

Bên cạnh đó, với sự phát triển của công nghệ ngày càng xuất hiện thêm các phương thức giáo dục hiện đại, nhưng tốc độ áp dụng chúng trong hệ thống giáo dục là tương đối chậm. Sẽ tốt hơn nếu áp dụng nó ở một tốc độ tương ứng để có sự hiện diện sớm trong môi trường giáo dục hiện đại và cung cấp các phương tiện hỗ trợ học tập tốt hơn cho sinh viên (Gupta, 2019).

Trong khi nhiều tài liệu, báo cáo thừa nhận rõ ràng sự cần thiết của việc phát triển một cách tiếp cận có hệ thống hơn đối với giáo dục TMĐT, dường như không có đáp án chung cho những câu hỏi cơ bản, ngay cả những câu hỏi ­như: Các mục tiêu chính của giáo dục TMĐT là gì? Những gì nên có trong một chương trình giảng dạy TMĐT? (là kiến thức kinh tế, tài chính, quản lý, thương mại, công nghệ … và tỷ lệ các học phần như thế nào). Ai nên dạy nó?

Lịch sử phát triển hơn 20 năm của giáo dục TMĐT toàn cầu đã cho thấy sự phức tạp và thách thức của giáo dục TMĐT và mối quan tâm nghiên cứu về lĩnh vực này ngày càng tăng lên. Từ những năm đầu xuất hiện chương trình giáo dục TMĐT đã chứng kiến những thăng trầm đáng kể của chương trình đào tạo này, Rob đã có một báo cáo như vậy về chương trình TMĐT tại một trường đại học Bắc Mỹ (Rob, 2003). Hay kết quả một nghiên cứu về 67 chương trình thạc sĩ TMĐT của Durlabhji và Fusilier (Durlabhji và Fusilier, 2002) mô tả việc giáo dục TMĐT như là sự hứng khởi, sự phiêu trong giáo dục kinh doanh.

Tomkovick và cộng sự (Tomkovick và cộng sự, 2000) cho rằng cần thiết của ­cách tiếp cận đa chức năng, đa ngành đối với giáo dục kinh doanh nói chung và TMĐT nói riêng tại trường đại học. Trong 10 năm gần đây, một số kết quả nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực đào tạo TMĐT theo hướng đi sâu hơn dựa trên các thức tiếp cận riêng trong hoạt động đào tạo của các trường ĐH trên thế giới.

Ví dụ, Beránek khi nghiên cứu về thái độ của các sinh viên đại học đối với phát triển kỹ năng kinh doanh trong thương mại điện tử, cho thấy rằng các kỹ năng khởi nghiệp cần được phát triển để hình thành động lực của sinh viên với môi trường kinh doanh hiện đại. Khóa học do đó tập trung nhiều hơn vào việc làm thế nào để dạy cho sinh viên các kỹ năng chấp nhận và đối diện với môi trường cạnh tranh đầy rủi ro và hầu hết là không thể đoán trước (Beránek, 2015); Một nghiên cứu khác đề xuất việc kết hợp giữa giáo dục thương mại điện tử và giáo dục khởi nghiệp, hệ thống chương trình giảng dạy “tích hợp 3 cấp độ của chuyên ngành TMĐT và tinh thần doanh nhân” được thiết kế.

Đồng thời với việc tăng cường hợp tác đại học và doanh nghiệp, các trường đại học nên cải thiện việc xây dựng các giáo viên đổi mới thương mại điện tử và khởi nghiệp (Wang, 2020); Một nghiên cứu khác đi sâu vào chuyên môn kỹ thuật với đề xuất thực hành phương pháp giảng dạy chuyên ngành Thương mại điện tử dựa trên thuật toán khai thác dữ liệu (Deng và Qing, 2021); Hay từ quan điểm phát triển linh hoạt (Agile) đang trở thành một phần không thể thiếu trong các yêu cầu và kỹ thuật phần mềm. Phương pháp linh hoạt cũng được sử dụng trong quá trình giảng dạy, đặc biệt là trong giáo dục đại học. Một số nơi đã triển khai một môi trường CNTT hoàn chỉnh với cấu trúc các module linh hoạt để giảng dạy các sinh viên phi kỹ thuật về thương mại điện tử (Medrek, 2018).

Trong cách tiếp cận này, hệ thống giáo dục đã tích hợp các công cụ phân tích Web, ứng dụng quản lý linh hoạt, hệ thống quản lý nội dung và mô hình thương mại điện tử để phát triển một kịch bản khóa học hoàn chỉnh và cung cấp một bộ công cụ phần mềm hỗ trợ quá trình thiết kế, triển khai, đánh giá một giải pháp thương mại điện tử; Hoặc có khóa học riêng biệt về thương mại điện tử được giả lập trong bối cảnh các mô hình Internet được triển khai theo mục đích chính trị và cơ chế phòng vệ quốc gia (He và Yu, 2020)…

Như vậy có thể thấy thiên hướng phát triển giáo dục TMĐT sau 20 năm đã rất phong phú và đa dạng. Trong khi đó nền kinh tế số với vai trò lớn lao của công nghệ số tiếp tục dẫn dắt sự phát triển nền kinh tế của các quốc gia trong những năm gần đây. Công nghệ đã chiếm một vai trò quan trọng đối với kinh tế xã hội. Thế nhưng lại có dự đoán cho rằng một nửa số trường đại học Hoa Kỳ có khả năng thất bại trong vòng 15 năm tới trong việc triển khai đào tạo liên quan đến công nghệ (Lucas Jr, 2017). Về cơ bản luận điểm này là đang nhấn mạnh vai trò kép của công nghệ trong tương lai của giáo dục đại học.

Nếu như thiếu đi sự đánh giá đúng mức và chuyển đổi không xứng tầm, vấn đề giáo dục đại học trong 15 năm tới sẽ gặp nhiều trở ngại ngay cả đối với những quốc gia phát triển. Trong nghiên cứu của mình Lucas nhận định rằng đào tạo được nâng cao do công nghệ có thể cải thiện đáng kể chất lượng và sự thành công của giáo dục đại học, nhưng chỉ riêng việc chú trọng học công nghệ sẽ không đảm bảo chất lượng đầu ra của trường đại học. Tuy nhiên, các trường đại học thiếu sự lãnh đạo, động lực và nguồn lực để đổi mới bằng công nghệ là những ứng cử viên thất bại trước tiên (Lucas Jr, 2017).

Mặc dù những nghiên cứu trên thực sự đóng góp những mảng màu khác nhau trong nghiên cứu đến các vấn đề của giáo dục TMĐT, nhưng chúng chứa khá ít phân tích hướng tới phát triển sự hiểu biết có hệ thống về lĩnh vực tổng thể của giáo dục TMĐT hoặc ít chỉ ra những những thách thức mà giáo dục TMĐT đang đối mặt.

2.Những thách thức đối với hệ thống giáo dục TMĐT hiện tại

Một số tài liệu đánh giá về đào tạo thương mại điện tử cho thấy sự cần thiết phải có một cách tiếp cận dựa trên lý thuyết để nghiên cứu sâu hơn về sự phát triển của đào tạo TMĐT. Để thực hiện điều này Toraskar và Lee (Toraskar và Lee, 2006) đã đề xuất một phương pháp tiếp cận phân tích về vấn đề giáo dục TMĐT một cách toàn diện và có hệ thống dựa trên khung nghiên cứu và phân tích theo ngữ cảnh của Pettigrew (Pettigrew và cộng sự, 2001).

Khi phân tích theo ngữ cảnh của Pettigrew, Toraskar và Lee đã có giải pháp đối với hai rào cản chất lượng học thuật và tính phù hợp thực tiễn của giáo dục TMĐT. Theo Toraskar và Lee, việc phát triển một chương trình đào tạo liên quan đến chiến lược và cơ cấu của một tổ chức (trường đại học), do đó lý thuyết phân tích theo ngữ cảnh của Pettigrew khá phù hợp, đặc biệt trong một thế giới phức tạp, năng động, việc xem xét việc chuyển đổi mô hình đào tạo đòi hỏi phải tập trung nhiều hơn vào bối cảnh không gian và thời gian.

Là một chuyên gia về chiến lược và chuyển đổi tổ chức, Pettigrew cho rằng, trong một thế giới đa dạng về văn hóa và cạnh tranh toàn cầu, các học giả chỉ có thể ngồi ở một nơi riêng biệt của thế giới và vờ như mô hình thay đổi của họ đưa ra là mô hình thay đổi của thế giới nói chung (Pettigrew và cộng sự, 2001).

Những đặc điểm chính trong phương pháp phân tích ngữ cảnh: Áp dụng phương thức tiếp cận Pettigrew cho phép cách tiếp cận có tư duy hệ thống theo các khía cạnh lịch sử, quá trình và theo ngữ cảnh. Về bản chất, cách tiếp cận theo ngữ cảnh xuất phát từ niềm tin rằng, để được hiểu và nghiên cứu một cách ­hiệu quả, các tổ chức phải được coi là gắn liền trong sự tương tác với bối cảnh xã hội, văn hóa, chính trị và lịch sử của họ. Theo Pettigrew về mặt lý thuyết nghiên cứu hữu ích và hợp lý về sự thay đổi nên xem xét đến yếu tố tương ­tác liên tục giữa các ý tưởng về bối cảnh của sự thay đổi, quá trình thay đổi và nội dung của sự thay đổi cùng với mối quan hệ giữa các bên.

Bối cảnh thay đổi thường đề cập đến các cấp độ hệ thống khác nhau có thể ­quan trọng đối với cuộc điều tra và phân tích cụ thể. Pettigrew sử dụng thuật ngữ “bối cảnh bên ngoài” cho những gì thường được gọi đơn giản là “môi trường” và “bối cảnh bên trong” cho tất cả các cấu trúc và quy trình nội bộ của tổ chức, ví dụ như quản lý, chiến lược, văn hóa và chính trị.

Sự phân biệt giữa bối cảnh bên trong và bên ngoài thể hiện rõ trong cách tiếp cận của Pettigrew. Theo quan điểm của ông rằng “sự phụ thuộc quá mức vào bối cảnh bên trong” trong nghiên cứu thay đổi truyền thống đã dẫn đến việc bỏ qua các vấn đề thuộc bối cảnh rộng lớn hơn. Do đó, để thực hiện theo cách tiếp cận theo ngữ cảnh, người ta phải chú ý cân bằng đến những gì đang xảy ra tại cả bối cảnh bên trong và bên ngoài.




Mô hình theo ngữ cảnh của giáo dục TMĐT (Toraskar và Lee, 2006)
Mô hình tiếp cận theo ngữ cảnh để phân tích đánh giá hệ thống giáo dục TMĐT: Áp dụng nguyên lý của Pettigrew, Toraskar và Lee đã đề xuất mô hình phân tích đánh giá hệ thống giáo dục TMĐT theo ngữ cảnh và thực hiện một kỹ thuật quét mô hình mới bắt nguồn từ cách tiếp cận theo ngữ cảnh và tạo điều kiện cho việc xác định một cách khá hệ thống các vấn đề và thách thức chính từ mô hình theo ngữ cảnh. Kết quả của việc áp dụng kỹ thuật này giúp cho việc nhận dạng các vấn đề và thách thức trong sự phát triển của giáo dục TMĐT và sự phát triển trong tương lai của nó. (Hình trên).

Mô hình tiếp cận được chia thành 6 cấp độ (từ bộ phận thiết kế chương trình đào tạo cho đến cấp độ vĩ mô) và chia thành 2 lớp ngữ cảnh: ngữ cảnh bên trong và ngữ cảnh bên ngoài. Để thực hiện theo cách tiếp cận theo ngữ cảnh, việc phân tích bao gồm việc xem xét các “tác nhân” khác nhau (những người trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến giáo dục TMĐT); Xem xét các yếu tố, khía cạnh chính sách, lĩnh vực ngành có thể có sự khác ­nhau về mục tiêu, mức độ ưu tiên và các kế hoạch triển khai có thể xảy ra. (Những thách thức liên quan đến xây dựng chương trình đào tạo TMĐT được mô tả trong Bảng 1).

Bảng: Những thách thức trong việc xây dựng chương trình đào tạo TMĐT
Nguồn: (Toraskar và Lee, 2006)

Với phương pháp tiếp cận theo ngữ cảnh, ta có thể thấy ngành học TMĐT tuy đơn giản như vậy nhưng chịu sự ảnh hưởng tác động theo nhiều chiều, nhiều cấp độ và quy mô khác nhau. Xem xét ở phạm vi chương trình đào tạo có thể thấy ở đó một sự độc lập tương đối với các yếu tố khác; nhưng khi xem xét ở khía cạnh nội dung học thuật, khía cạnh đầu ra của chương trình … ta sẽ thấy sự liên quan, ảnh hưởng tương tác đa chiều của chương trình đào tạo TMĐT đối với toàn thể các yếu tố khác từ vi mô cho đến vĩ mô.

Theo Toraskar và Lee, kinh nghiệm cho thấy những thách thức có thể xảy ra trong việc xây dựng chương trình đào tạo TMĐT đối với từng vấn đề được liệt kê trong bảng 1. Với mỗi vấn đề cụ thể nếu có 2 yếu tố tác nhân với vai trò khác nhau có khả năng tác động thì điều này biểu thị một khu vực có thể xảy ra xung đột hoặc thách thức trong việc thiết kế chương trình đào tạo TMĐT (Toraskar và Lee, 2006). Đó có thể là mâu thuẫn về quan điểm giữa các cá nhân trong cùng nhóm xây dựng chương trình đào tạo, hoặc giữa các bộ phận có liên quan bên trong khoa, các khoa có liên quan,… Việc xử lý khéo léo và dung hòa các quan điểm này là chuyện rất thường tình trong mỗi tổ chức.

Thách thức liên quan đến xây dựng chương trình đào tạo TMĐT ở cấp độ trường Đại học thường gặp phải: Trong một trường đại học điển hình, phần lớn các hoạt động xây dựng chương trình đào tạo TMĐT thường được ­thực hiện ở cấp khoa liên quan hoặc thậm chí là một bộ phận. Tuy nhiên, các kế hoạch tài chính và quyết định quy mô ngân sách ảnh hưởng đến chương trình phụ thuộc vào Ban lãnh đạo của trường đại học cùng với các kế hoạch chiến lược tổng thể cho toàn trường nói chung (Toraskar và Lee, 2006). Những vấn đề này sẽ quyết định quy mô ngân sách trong đầu tư cơ sở hạ tầng, phòng Lab, trang thiết bị giảng dạy, quy mô đầu tư trong việc nâng cấp, cập nhật trình độ giảng dạy giảng viên hoặc mời các giảng viên có trình độ tham gia giảng dạy. Do đó, rõ ràng thành công của xây dựng chương trình đào tạo sẽ phụ thuộc rất nhiều vào “mức độ phù hợp” với kế hoạch tổng thể của trường đại học nói chung. Kế hoạch chiến lược cấp trường đại học được vạch ra dựa trên những thay đổi và thách thức về môi trường (ngữ cảnh bên ngoài) từ nhận thức của Ban lãnh đạo và chiến lược đào tạo chung của toàn trường.

Đứng ở góc độ chiến lược, việc triển khai phát triển chương trình TMĐT từ quan điểm thay đổi chiến lược (Pettigrew và cộng sự, 2001) cho toàn trường Đại học, cần lưu ý và đặc biệt quan tâm chiến lược CNTT, vì tầm quan trọng chiến lược CNTT có tác động không chỉ đối với chương trình TMĐT mà còn đối với toàn bộ trường đại học trong môi trường chuyển đổi số như ngày nay. Do đó, thách thức trong việc đồng bộ chiến lược giữa đào tạo TMĐT và đầu tư cho CNTT trường Đại học cần có một cái nhìn tổng thể, toàn diện để đảm bảo đầu tư có hiệu quả.

Chiến lược phát triển CNTT, chuyển đổi số quốc gia cũng là một thách thức đối với xây dựng chương trình đào tạo TMĐT. Chiến lược phát triển quốc gia sẽ tác động đến chiến lược phát triển ngành, chiến lược phát triển từng vùng và do đó nhu cầu về nhân lực cụ thể trong tương lai sẽ khác nhau. Việc nắm bắt, đón đầu được nhu cầu nguồn lao động trong tương lai sẽ giúp cho việc hoạch định xây dựng chương trình đào tạo được chính xác và đáp ứng được nguyện vọng lao động chính đáng của sinh viên khi ra trường. Bên cạnh đó có một số những yếu tố ở tầm vĩ mô cũng ảnh hưởng và là những thách thức trong xây dựng chương trình đào tạo TMĐT như: (1) Vấn đề mới nổi trong nền kinh tế toàn cầu, vấn đề thương mại và quản lý; (2) Vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư của tổ chức nước ngoài; (3) Cải cách kinh tế trong khu vực; (4) Chiến lược của IMF và ngân hàng thế giới đối với cạnh tranh quốc tế (Ramesh, 2017).

Một số xu hướng chính trong việc thiết kế chương trình đào tạo TMĐT đó là: (1) Động lực thị trường mới; (2) nguồn lực giảng viên; (3) phương pháp sư phạm mới; (4) yêu cầu đổi mới chương trình giảng dạy liên tục; (5) cơ sở hạ tầng công nghệ (Chan, 2001); (6) Thiết kế nền tảng đào tạo cho việc học tập chủ động (Leong và Petkova, 2003). Những xu hướng này cũng là những thách thức đòi hỏi việc xây dựng chương trình đào tạo TMĐT sao cho đáp ứng được chất lượng.

Đối với động lực thị trường mới, sự thay đổi trên thị trường tạo ra những áp lực mới đối với hoạt động đào tạo. Việc chuyển từ B2C sang B2B và thị trường điện tử đã thúc đẩy các trường đại học chú trọng hơn vào Logistics toàn cầu, quản lý chuỗi cung ứng, quản lý quan hệ khách hàng và tích hợp hệ thống. Những hướng đi mới này được liên kết chặt chẽ với các chiến lược công nghệ. Các chương trình học cần chuyển từ trọng tâm từ phát triển Web Front-End sang triển khai các chiến lược mới liên quan đến quy mô lớn, tích hợp ứng dụng doanh nghiệp phức tạp, khai thác dữ liệu lớn và công nghệ cộng tác. Những đòi hỏi này tiến đến việc thiết kế chương trình đào tạo mới gần đây như chuyên ngành Kinh tế số và một số lĩnh vực chuyên ngành khác như Công nghệ tài chính, Logistics điện tử … Các kỹ năng mới được yêu cầu trong vài năm tới sẽ bao gồm: phân tích kinh doanh số, kiến trúc công nghệ kinh doanh số, … Khi các tổ chức trải qua quá trình chuyển đổi đáng kể, sinh viên ngành thương mại điện tử cần được chuẩn bị để hỗ trợ việc cập nhật những thay đổi này.

Nguồn lực giảng viên, do tốc độ tiến bộ nhanh chóng của công nghệ trong thương mại điện tử, khoa kinh doanh cũng như Hệ thống thông tin cần phải cập nhật các kỹ năng kỹ thuật của họ. Ngay cả các giảng viên theo định hướng kỹ thuật cũng cần hiểu các mô hình kinh doanh điện tử đang thay đổi để đưa các chủ đề công nghệ vào một bối cảnh thích hợp. Sự sẵn sàng của giảng viên để học hỏi các mô hình kinh doanh và công nghệ đang thay đổi là điều cần thiết để trang bị lại thành công. Họ sẽ phải dành thêm thời gian để phát triển tài liệu hướng dẫn và học phần mềm mới liên tục vì đó là bản chất của thương ­mại điện tử.

Phương pháp sư phạm mới, có nhiều thử nghiệm trong việc nghiên cứu và giảng dạy thương mại điện tử. Một số trường học, bao gồm Carnegie Mellon và DePaul nhấn mạnh vào phát triển Web thực hành và các phương pháp thực hành để xây dựng các hệ thống thương mại điện tử mẫu (Chan, 2001).

Đổi mới chương trình liên tục, thị trường thay đổi nhanh chóng đòi hỏi sự đổi mới liên tục trong các sáng kiến thương mại điện tử. Việc tạo ra các khóa học mới, điều chỉnh các khóa học cũ và sắp xếp lại các chủ đề giữa các khóa học là điều cần thiết để thích ứng. Điều này đòi hỏi một tinh thần văn hóa cho sự sáng tạo, cởi mở và nhanh nhạy trong việc đổi mới chương trình. Việc xem xét và sửa đổi có thể diễn ra thường xuyên hai lần một năm để luôn chủ động. Sự thay đổi trong các công cụ và chủ đề có thể kích hoạt sự sắp xếp lại cấu trúc khóa học, tư vấn cho sinh viên và quảng bá chương trình.

Cơ sở hạ tầng công nghệ, các chương trình TMĐT hiệu quả đòi hỏi sự đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng công nghệ và các dịch vụ hỗ trợ. Đây là một mối quan tâm quan trọng đối với các chương trình tập trung nhiều hơn vào công nghệ. Sự dịch chuyển thị trường theo hướng các giải pháp công nghệ phức tạp hơn làm tăng nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật nhiều hơn. Kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng là một phần cần thiết của các chiến lược thực hiện cho các chương trình TMĐT lớn đang phát triển. Do chi phí đầu tư công nghệ có thể cao, nên có thể xem xét việc hợp tác với các nhà cung cấp trong ngành và các nhà cung cấp ứng dụng cung cấp các giải pháp hữu ích, hoặc thực hiện cơ chế hợp tác giữa các trường đại học cũng là một lựa chọn khả thi.

Thiết kế nền tảng đào tạo cho việc học tập chủ động, điểm quan trọng đầu tiên là học tập tích cực ít chú trọng vào việc truyền tải thông tin và chú trọng nhiều vào việc phát triển các kỹ năng tư duy phân tích và phản biện. Mặc dù việc truyền tải thông tin là quan trọng đối với việc giảng dạy TMĐT, sự phát triển rất nhanh của các sáng kiến TMĐT giảm đi việc giảng dạy ở dạng bài giảng. Những thay đổi liên tục đối với các chủ đề, khóa học và yêu cầu là bình thường. Việc xem xét và sửa đổi có thể diễn ra thương xuyên hai lần một năm để luôn chủ động (Chan, 2001). Trong tình huống như vậy, điều quan trọng hơn nhiều là dạy cho học sinh các kỹ năng tư duy phản biện, vốn sẽ được sử dụng để thu nhận kiến thức mới hơn là chuyển giao các ứng dụng công nghệ đang hình thành (điều mà trong một năm có thể lỗi thời).

Một đặc điểm quan trọng khác của học tập tích cực là học sinh được tham gia vào các hoạt động, họ làm điều gì đó hơn là chi nghe một cách thụ động. Bản chất của chương trình giảng dạy TMĐT yêu cầu sinh viên phải tham gia vào việc thực hiện. Nó có thể là học tập theo kinh nghiệm, còn được gọi là học bằng cách thực hiện hoặc nó có thể là sự phản biện, động não và thuyết trình dự án. Không thể học TMĐT mà không duyệt mạng Internet, tìm kiếm thông tin và so sánh thông tin. Đây là những hoạt động tự nhiên cho một khóa học như vậy, so với các khóa học trong các lĩnh vực khác, nơi mà bất kỳ hoạt động nào khác với việc nghe giảng, đòi hỏi rất nhiều sự chủ động và nỗ lực tích cực từ học viên (Leong và Petkova, 2003).

Đánh giá về thực trạng về hệ thống giáo dục TMĐT ở trên thế giới và Việt Nam về cơ bản như sau:
  • Đội ngũ giảng viên không hoàn hảo và thiếu sự chú trọng vào đổi mới. Không có đủ các nhà lãnh đạo học thuật (Gupta và Reviews, 2019; Zhao và cộng sự, 2019). Đội ngũ giảng viên ngành/chuyên ngành thương mại điện tử chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo cả về số lượng và chất lượng (VECOM, 2022). Các giáo viên được mong đợi sẽ dạy tất cả các môn học bất chấp lĩnh vực chuyên ngành của họ (Gupta và Reviews, 2019).
  • Phương pháp giáo dục vẫn không thay đổi, tức là ngày nay hầu hết là các phòng học với đầy đủ học sinh và giáo viên dạy theo kiểu truyền thống. Một lần nữa, giáo trình và việc giảng dạy chủ yếu là theo định hướng thi. Nhiều khóa học hiện nay nhấn mạnh vào kiến thức lý thuyết hoặc khái niệm mà không đưa ra được các diễn giải hoạt động thực sự trong thực tế (Hajare, 2016; Gupta và Reviews, 2019).
  • Chương trình giảng dạy trong các cơ sở thương mại và quản lý không bắt kịp với xu hướng hiện tại hoặc hiện đại trên thế giới. Có một số chương trình giảng dạy đã lỗi thời và mất đi ý nghĩa đối với ngữ cảnh hiện tại (Gupta và Reviews, 2019). Học liệu phục vụ đào tạo thương mại điện tử chưa đáp ứng đòi hỏi của việc giảng dạy và học tập (VECOM, 2022).
  • Các ngành và cơ sở giáo dục chưa có tính liên kết nên sinh viên thiếu kiến thức thực tế và việc làm sau khi học xong (Gupta và Reviews, 2019; Zhao và cộng sự, 2019). Hợp tác trong đào tạo thương mại điện tử còn mờ nhạt giữa các trường với các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị nghiên cứu khoa học, các tổ chức xã hội nghề nghiệp hay với doanh nghiệp (Gupta và Reviews, 2019; VECOM, 2022) .
  • Các trường cao đẳng và đại học không cung cấp hướng dẫn và hỗ trợ nghề nghiệp thích hợp (Gupta và Reviews, 2019). Các hoạt động hỗ trợ đào tạo, bao gồm hoạt động của các trung tâm khởi nghiệp hay các câu lạc bộ sinh viên chưa thường xuyên và hấp dẫn (VECOM, 2022).
  • Có nhiều khoa giảng dạy (liên quan) được yêu cầu mà họ không sẵn sàng đáp ứng, hoặc không nỗ lực hết mình (Gupta và Reviews, 2019).
  • Các doanh nghiệp cảm thấy rằng những người có bằng tốt nghiệp không có đúng loại kỹ năng, kiến thức thực tế. Kết quả là một số người có bằng tốt nghiệp không có khả năng nhận được công việc phù hợp (Gupta và Reviews, 2019).

III. Cơ hội cho giáo dục Thương mại điện tử trong kỷ nguyên số

Giáo dục ngày nay được hỗ trợ với nhiều loại công nghệ, máy tính, máy chiếu, Internet và nhiều hơn nữa. Internet cung cấp kiến thức đa dạng, phong phú, mọi người có thể học mọi thứ từ đó. Thương mại điện tử không còn là một lĩnh vực độc lập mà đã hoà quyện vào kinh doanh số, kinh tế số và chuyển đổi số (VECOM, 2022).

Cũng giống như công nghệ số đã phá vỡ nhiều ngành công nghiệp lâu đời như truyền thông, giải trí và bán lẻ, một số chuyên gia cho rằng giáo dục trực tuyến đã trở thành một động lực sẽ biến đổi giáo dục đại học. Clayton Christensen đã đưa ra khái niệm “đổi mới đột phá” trong cuốn sách “Thế tiến thoái lưỡng nan của nhà đổi mới”. Theo lý thuyết, một sự đổi mới mang tính đột phá đưa ra thị trường một sản phẩm hoặc dịch vụ không tốt bằng các dịch vụ truyền thống nhưng rẻ hơn và dễ sử dụng hơn (Christensen và Eyring, 2011). VD: chương trình Thạc sĩ Khoa học Máy tính của Viện Công nghệ Georgia, được cung cấp với sự hợp tác của Udacity. Chi phí của chương trình là $ 6,600 so với chi phí của chương trình thông thường là 45,000$. Chương trình IMBA của Đại học Illinois được cung cấp với sự hợp tác của Coursera với chi phí là 20,000$.

Một khái niệm chứng chỉ môđun đào tạo xuất hiện trọng thời đại kỹ thuật số và hứa hẹn sẽ đóng vai trò như một đơn vị tiền tệ học thuật trong một thế giới học tập liên tục, suốt đời đang được tiếp tục xem xét những mô hình mới này sẽ tác động như thế nào đến giáo dục đại học (Kumar và cộng sự, 2017). Với giáo dục trực tuyến bất cứ nơi nào có Internet và điện thì có thể trở thành lớp học. Nó có thể bao gồm âm thanh, video, văn bản, hình ảnh động, môi trường đào tạo ảo cho phép kết nối trực tiếp với các giảng viên. Đó là một môi trường học tập phong phú với tính linh hoạt hơn nhiều so với một lớp học truyền thống (Gupta và Reviews, 2019).

Sự phát triển của giáo dục trực tuyến đã trở thành một hiện tượng toàn cầu được thúc đẩy bởi sự xuất hiện của các công nghệ mới, sự áp dụng rộng rãi của Internet và tăng cường nhu cầu về lực lượng lao động có kỹ năng cho nền kinh tế kỹ thuật số. Từ những năm 1990, các tổ chức như Ngân hàng Thế giới, UNESCO, ủy ban Châu Âu đã ủng hộ việc sử dụng giáo dục từ xa và trực tuyến để mở rộng cơ hội giáo dục cho những người có hoàn cảnh khó khăn: Việc mở rộng khả năng tiếp cận này sẽ thúc đẩy một “cuộc cách mạng giáo dục” toàn cầu với quy mô chưa từng có, biến đổi xã hội bằng cách tạo cơ hội cho hàng triệu người và gia đình của họ nâng cao mức sống của họ.

Đối với các trường đại học, điều này sẽ thúc đẩy các phương pháp tiếp cận mới trong giảng dạy và học tập, tạo cơ hội thâm nhập thị trường mới và quan hệ đối tác toàn cầu mới, kích thích các phương pháp giảng dạy mới – chẳng hạn như lan tỏa giáo dục với chi phí thấp về các vùng nông thôn và cũng tạo ra các nguồn cạnh tranh mới (Ernst và Young, 2012, tr. 7).

Một số câu hỏi đặt ra về giáo dục đối với ngành TMĐT vẫn tiếp tục được xem xét nghiên cứu trong bối cảnh hiện nay: (1) Giáo dục trực tuyến có phát triển giống như Thương mại điện tử sẽ phá vỡ các hệ thống và quy trình cung cấp giáo dục truyền thống không?; (2) Các trường học cần nghĩ cách làm để phân biệt với những cơ sở đào tạo khác (Kumar và cộng sự, 2017); (3) Làm thế nào để chương trình đào tạo TMĐT trực tuyến trở nên nổi bật (Anand, 2016); (3) Liệu giáo dục trực tuyến có trở thành phương tiện chủ đạo để lấy bằng cấp không?; (4) Liệu giáo dục trực tuyến có thể chân thực và toàn diện như giáo dục truyền thống không?

Một số mô hình giáo dục hiện nay đang tìm kiếm những cơ hội mới trong việc áp dụng công nghệ vào trong hoạt động giáo dục:
Mô hình triển khai phương thức giáo dục kết hợp truyền thống và trực tuyến cho phép sinh viên vừa học theo phương thức truyền thống vừa theo các khóa học trực tuyến. Nhiều khóa học được triển khai theo hình thức này ở một số trường đại học như Đại học Ignou, Đại học Amity, … (Gupta và Reviews, 2019). Xu hướng này chứng kiến những tiến bộ hơn nữa trong công nghệ cho phép các tổ chức mở rộng các sáng kiến giáo dục trực tuyến của họ với sự phát triển của các hệ thống quản lý học tập khác nhau như Blackboard, Moodle và Desire2Learn, sự xuất hiện của các công cụ đa phương tiện mới và kết nối tốc độ cao giúp dễ dàng phát triển nhanh chóng và cung cấp các khóa học và chương trình trực tuyến (Kumar và cộng sự, 2017).

Dziuban và Picciano gọi giai đoạn sau năm 2014 là làn sóng thứ tư trong sự phát triển của giáo dục trực tuyến – giai đoạn tập trung vào việc sử dụng các công cụ và mô hình sư phạm mới để tạo ra trải nghiệm học tập cá nhân và hấp dẫn (Dziuban và Picciano, 2015). Số lượng tuyển sinh tiếp tục tăng nhanh hơn số lượng đăng ký giáo dục đại học truyền thống. Theo báo cáo nghiên cứu khảo sát Babson vào năm 2013, cứ tám sinh viên đăng ký vào các trường cao đẳng và đại học ở Hoa Kỳ thì có một sinh viên học hoàn toàn trực tuyến và cứ bốn sinh viên thì có một sinh viên tham gia ít nhất một khóa học trực tuyến (Allen và Seaman, 2016).
  • Mô hình triển khai các khóa học trực tuyến. Trong khi các khóa học trực tuyến có thể là một phần của chương trình cấp bằng, chúng cũng có thể được thực hiện theo cách riêng của họ để thông thạo một chủ đề nhất định hoặc học một kỹ năng cụ thể. Nhiều khóa học cấp chứng chỉ qua học trực tuyến ví dụ: tiếp thị truyền thông xã hội, quản lý nguồn nhân lực … (Gupta và Reviews, 2019).
  • Mô hình giáo dục đại chúng MOOCs – là các khóa học trực tuyến mở rộng rãi, thường được phân bổ đến các “lớp học” trực tuyến với số lượng lên đến hàng chục nghìn người. Từ điển Oxford Online định nghĩa MOOC là: “Một khóa học được cung cấp trên Internet mà không tính phí cho một số lượng người rất lớn”. Hệ thống SWAYAM (tại Ấn độ) là một nền tảng dạng MOOCs cung cấp các khóa học trực tuyến khác nhau đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để đạt được ba nguyên tắc cơ bản của chính sách giáo dục: Sự tiếp cận, Công bằng và Chất lượng. SWAYAM là một công cụ để tự hiện thực hóa, mang lại cơ hội học tập suốt đời. Tại đây người học có thể chọn lọc khóa học mong muốn từ hàng trăm khóa học trên hệ thống (Gupta và Reviews, 2019). MOOC được coi là một cuộc cách mạng sẽ thay đổi giáo dục đại học trở nên tốt đẹp. Mặc dù được quảng cáo rầm rộ, MOOCs không thành công như kỳ vọng. Phương pháp sư phạm được sử dụng trong MOOCs không hiệu quả và tỷ lệ học sinh bỏ học rất cao. Tỷ lệ các tổ chức cung cấp MOOCs đã tăng nhẹ trong những năm qua nhưng vẫn còn rất nhỏ (Kumar và cộng sự, 2017). Mặc dù MOOCs không đạt được thay đổi đáng kể nào cho giáo dục đại học, nhưng chúng đã đẩy nhanh tốc độ thay đổi và buộc các cơ sở phải suy nghĩ lại về mô hình phân phối truyền thống cho việc dạy và học.

Bên cạnh cơ hội theo đuổi các mô hình giáo dục cho TMĐT thì việc phát triển nội dung đào tạo TMĐT sao cho thích hợp với xu thế biến đổi của thời đại cũng là những điểm được nhiều tổ chức quan tâm. Với sự phát triển phong phú của khái niệm thương mại điện tử, nội dung học tập của chuyên ngành thương mại điện tử có thiên hướng được chia nhỏ. Giai đoạn ban đầu, giai đoạn tối ưu hóa và giai đoạn sau đặt ra những yêu cầu khác nhau về chất lượng của sinh viên và tính chuyên sâu của ngành ngày càng tăng. Chẳng hạn để nâng cao trình độ giáo dục chuyên nghiệp, nên phân loại các khóa học chuyên nghiệp và đào tạo sinh viên theo các hương phát triển khác nhau như thiên hướng về công nghệ hoặc thiên hướng về thị trường (Zhao và cộng sự, 2019); Để tăng khả năng thích ứng với việc làm, nhiều nơi đã triển khai một phòng thí nghiệm thương mại điện tử để phát triển khả năng thực hành tự chủ của sinh viên thông qua mô phỏng thực hành kinh doanh. Ngoài ra, mời các chuyên gia có kinh nghiệm bên ngoài trường học giảng dạy bằng cách thiết lập các tín chỉ sáng tạo, có lợi cho việc bồi dưỡng sinh viên tư duy đổi mổi và nâng cao hiệu quả khả năng cạnh tranh việc làm của sinh viên thông qua làm việc theo nhóm giữa nhà trường và doanh nghiệp (Zhao và cộng sự, 2019).


Một số gợi ý phát triển giáo dục TMĐT trong kỷ nguyên số
  • Việc xây dựng, hoàn thiện, nâng cấp chương trình đào tạo TMĐT cần phải cập nhật cung cấp kiến thức lý thuyết và thực tiễn tương ứng với bối cảnh xã hội để đáp ứng nhu cầu học hỏi của sinh viên.
  • Các trường cần cung cấp hướng dẫn và có phương thức triển khai thích hợp (mô hình câu lạc bộ, diễn đàn …) trong việc tư vấn cho sinh viên để lựa chọn khóa học, môn học chuyên sâu phù hợp cho sự phát triển nghề nghiệp của sinh viên khi ra trường
  • Các trường cần xây dựng mối liên hệ tốt với các ngành, cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp, viện nghiên cứu nhằm phát triển kỹ năng thực hành tốt cho sinh viên và cùng tạo dựng môi trường hợp tác, sáng tạo, trao đổi cập nhật chuyên môn, học thuật …
  • Giáo dục về tính toán, CNTT, AI cũng cần được thúc đẩy vì nó cung cấp khả năng kiểm soát tốt rủi ro bằng cách sử dụng hiểu biết về toán học và tài chính vững chắc
  • Các thực tiễn kinh doanh hiện tại và các thuật ngữ hiện đại cần được liên tục cập nhật trong giáo trình để giúp sinh viên hiểu đúng về các hiện tượng hiện tại khác nhau trong thế giới kinh doanh.
  • Nền tảng đào tạo đại chúng MOOCs nên được nghiên cứu triển khai (có thể chọn lọc một số môn học phổ thông, có nhu cầu cao trong sinh viên và cộng đồng) để tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho các sinh viên, người lao động theo đuổi nâng cao kiến thức trong công việc của họ.
  • Cần có văn hóa hoạch định chiến lược phù hợp với kỷ nguyên số ở cấp trường đại học để phát triển chương trình TMĐT. Việc hoàn thiện chương trình đào tạo TMĐT cần song hành với các chiến lược liên quan, bao gồm cả kế hoạch CNTT và kế hoạch triển khai các ngành học có liên quan gần để cùng bổ trợ trong hoạt động giảng dạy chuyên ngành TMĐT như Kinh tế số, công nghệ tài chính, Logistics điện tử …
  • Thực hiện những nghiên cứu khảo sát mang tính toàn diện hơn nữa về hoạt động giáo dục đào tạo TMĐT để từ đó đề xuất các giải pháp thiết thực hơn nữa cho việc đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực nền kinh tế số trong tương lai.

Tài liệu tham khảo:
  • Allen I Elaine và Jeff Seaman (2016), Online report card: Tracking online education in the United States, Nhà xuất bản ERIC,
  • Anand Bharat (2016), The content trap: A strategist’s guide to digital change, Nhà xuất bản Random House Group,
  • Beránek Ladislav (2015), ‘The attitude of the college students to entrepreneurial skills development in the subject e-commerce’, Tạp chí Informatics in education, Số 14(1), tr. 1-12.
  • Chan Susy (2001), ‘Challenges and opportunities in e-commerce education’.
  • Christensen Clayton M và Henry J %J Harvard Business School Newsletter Eyring (2011), ‘How disruptive innovation is remaking the university’, Số 25.
  • Deng Jianghua và Haohua Qing (2021), ‘Practice Teaching Method of Electronic Commerce Major Based on Data Mining Algorithm’, Kỷ yếu hội thảo: Journal of Physics: Conference Series, 022039.
  • Durlabhji Subhash và Marcelline R Fusilier (2002), ‘Ferment in business education: E-commerce master’s programs’, Tạp chí Journal of Education for Business, Số 77(3), tr. 169-176.
  • Dziuban C và AG %J ECAR Research Bulletin Picciano (2015), ‘Evolution continues: Consideration for the future of research in online and blended education’.
  • Ernst và Young (2012), ‘University of the future: a thousand year old industry on the cusp of profound change’.
  • Gupta Akash (2019), ‘A study on prospects and challenges in commerce education’, Tạp chí International Journal of Research Analytical Reviews.
  • Gupta Akash và Analytical Reviews (2019), ‘A study on prospects and challenges in commerce education’, Tạp chí International Journal of Research Analytical Reviews.
  • Hajare Sunil S (2016), ‘Challenges And Opportunities In E-Commerce Education’, Tạp chí Knowledge Resonance.
  • He Wenxun và Lilu Yu (2020), ‘Course on e-commerce in the context of Internet Strategies for Ideological and Political Implementation and Safeguard Mechanism’, Kỷ yếu hội thảo: 2020 5th International Conference on Mechanical, Control and Computer Engineering (ICMCCE), 1651-1654.
  • Kumar Anil, Poonam Kumar, Shailendra C Jain Palvia, Sanjay %J Journal of Information Technology Case Verma và Application Research (2017), ‘Online education worldwide: Current status and emerging trends’, Số 19(1), tr. 3-9.
  • Leong Leslie và Olga Petkova (2003), ‘Teaching E-Commerce: A platform for active learning’, Tạp chí International Business Economics Research Journal, Số 2(3).
  • Lucas Jr Henry C (2017), ‘Technology and the failure of the university’, Tạp chí Communications of the ACM, Số 61(1), tr. 38-41.
  • Medrek M (2018), ‘USE OF AGILE METHODS IN E-BUSINESS AND E-COMMERCE EDUCATION’, Kỷ yếu hội thảo: INTED2018 Proceedings, 5144-5152.
  • Palvia Shailendra C Jain %J Journal of Information Technology Case và Application Research (2013), Editorial preface article: E-evolution or e-revolution: E-mail, e-commerce, e-government, e-education, soạn): Nhà xuất bản Taylor & Francis, 4-12.
  • Pettigrew Andrew M, Richard W Woodman và Kim S Cameron (2001), ‘Studying organizational change and development: Challenges for future research’, Tạp chí Academy of management journal, Số 44(4), tr. 697-713.
  • Ramesh Parimala (2017), ‘A study of commerce education in India-challenges and opportunities’.
  • Rob Mohammad (2003), ‘The rise and fall of an e-commerce program’, Tạp chí Communications of the ACM, Số 46(3), tr. 25-26.
  • Tomkovick Chuck, James LaBarre, Ronald Decker, Susan Haugen, Todd Hostager, James Pathos và Erwin Steiner (2000), ‘A cross-functional, multi-disciplinary approach to teaching e-commerce’, Tạp chí Marketing Education Review, Số 10(3), tr. 43-52.
  • Toraskar KRANTI V và PATRICK CHANG BOON Lee (2006), ‘A contextualist approach to the development of e-commerce education: an analysis of key issues and challenges’, Tạp chí Journal of Information Technology Management, Số 17(2), tr. 1.
  • VECOM, Hiệp hội thương mại điện tử Việt nam (2022), Báo cáo đào tạo Thương mại điện tử 2022, Những bước tiến nổi bật
  • Wang Yan (2020), ‘Teaching Reform Practice of E-Commerce Major Integrating Specialty and Entrepreneurship’, Kỷ yếu hội thảo: 2020 International Conference on E-Commerce and Internet Technology (ECIT), 32-35.
  • Zhao Xinjian, Li Li, Mingfei Liu và Jie %J Higher Education Studies Liu (2019), ‘Professional Education Reform in Colleges and Universities and Cultivation of College Students’ Innovation and Entrepreneurship Consciousness:” Taking Major of E-Commerce as an Example”‘, Số 9(2), tr. 33-44.
Theo https://thuonggiathitruong.vn/nhung-thach-thuc-va-co-hoi-dao-tao-trong-thuong-mai-dien-tu/

Nguyễn Trí Hiển
www.nguyentrihien.com
2022
edtech | elearning | giáo dục trực tuyến | startup | mentor | đầu tư giáo dục | educoin
Designed by OddThemes | Distributed by Gooyaabi Templates