Trả lời chất vấn Quốc hội chiều 11/11, bộ trưởng GD&ĐT: Sẽ có chính sách hỗ trợ giáo viên

Trả lời chất vấn Quốc hội chiều 11/11, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết nhìn từ thực tế, Bộ GD&ĐT sẽ tính toán, đề xuất một số chính sách hỗ trợ giáo viên trong mùa dịch.




Ngành giáo dục ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết gần 2 năm qua, đại dịch tàn phá tất cả lĩnh vực của đời sống, trong đó giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề. Năm học đứt đoạn, gần 20 triệu học sinh, sinh viên không đến trường, trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng đến việc cung cấp nguồn nhân lực.

Việc học tập trực tuyến, học qua truyền hình trong điều kiện hạ tầng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, gây ra hệ lụy và ảnh hưởng tiêu cực. Học sinh căng thẳng mệt mỏi; thầy cô mệt nhọc, áp lực; phụ huynh bức xúc, xã hội lo lắng. Những chuyện bi hài và cả những chuyện đau lòng đã diễn ra.

Toàn ngành giáo dục đã chủ động chuyển trạng thái sang dạy và học ứng phó với dịch bệnh, cố gắng hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh với giáo dục, kiên trì theo đuổi mục tiêu thay đổi chất lượng. Bộ GD&ĐT đã động viên giáo viên toàn ngành khắc phục khó khăn, cùng nhau ứng phó với dịch bệnh. Dịch bệnh đang dần kiểm soát, kinh tế và hoạt động xã hội dần phục hồi nhưng ngành giáo dục bắt đầu chặng đường mới. Hậu quả do dịch gây ra và việc khắc phục nó không phải một sớm một chiều với những ảnh hưởng lâu dài chưa thể đo đếm được như lỗ hổng về kiến thức, tác động lâu dài đến học sinh.






Đại biểu kiến nghị Bộ GD&ĐT thanh tra việc dạy thêm, học thêm trực tuyến

Đề cập vấn đề dạy thêm, học thêm trực tuyến, đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) chia sẻ những khó khăn, thách thức của ngành giáo dục hiện nay. Ông đặt vấn đề dù bộ đã nghiêm cấm việc dạy thêm trong mùa dịch, thực tế gần đây xuất hiện tình trạng dạy thêm, học thêm trực tuyến. Học sinh bị ép học thêm. Cử tri bức xúc kiến nghị bộ cần thanh tra việc dạy thêm, học thêm trực tuyến. Bộ trưởng GD&ĐT nói gì về vấn đề này?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời giáo viên không được dạy thêm, học thêm. Khi học trực tuyến, học sinh đã căng thẳng, việc này càng cần nghiêm cấm. Bộ đã có văn bản quy định việc dạy và học trực tuyến, trong đó quy định rõ số giờ dạy trực tuyến cho học sinh. Nếu nhà trường dạy quá giờ, các sở giáo dục, địa phương cần thanh tra, kiểm tra. Bộ GD&ĐT cũng sẽ thanh tra làm rõ vấn đề này.
Sẽ kiểm tra việc học thêm online Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định giáo viên không được phép dạy thêm, đặc biệt trong giai đoạn trẻ căng thẳng do học trực tuyến.

Chấm dứt dạy học theo văn mẫu

Đại biểu Nàng Xô Vi (Kon Tum) đặt câu hỏi về việc bộ trưởng đã chỉ đạo không dùng văn soạn mẫu trong dạy môn Ngữ văn, sắp tới sẽ chỉ đạo như thế nào để thúc đẩy chất lượng hơn.

Trả lời chất vấn từ đại biểu này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định môn Ngữ văn có tầm quan trọng trong việc bồi đắp tình cảm, năng lực thẩm mỹ, phẩm chất làm người. Trong khi đó, định hướng giáo dục của chúng ta là tăng yếu tố dạy người. Tương tự, ở bậc tiểu học, môn Tiếng Việt cũng rất quan trọng vì trước khi tăng cường năng lực ngoại ngữ, các thế hệ học sinh phải giỏi tiếng Việt. Trong các cuộc họp, chỉ đạo trước, bộ trưởng đã nêu cần phải ngăn chặn, chấm dứt dạy theo văn mẫu, đặc biệt việc giáo viên đọc cho học sinh chép, soạn văn mẫu rồi cho học sinh đọc thuộc.

Việc này rất tai hại, ảnh hưởng đến tính chủ động, sáng tạo, cảm xúc, tình cảm chân thành của học sinh. Do đó, sắp tới, ngành sẽ có hàng loạt biện pháp để điều chỉnh mang tính chuyên môn. Các công việc kiểm tra đánh giá, dạy học, biên soạn học liệu cũng sẽ được triển khai. Chấm dứt văn mẫu cũng là yếu tố chuyên môn để chấm dứt dạy thêm, học thêm.

Dạy theo văn mẫu ảnh hưởng sự sáng tạo của học sinh Trả lời chất vấn Quốc hội sáng 11/11, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định cần chấm dứt việc dạy theo văn mẫu.

Giáo dục kỹ năng cho học sinh bị xem nhẹ khi học trực tuyến

Đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) nêu vấn đề giáo dục kỹ năng cho học sinh bị xem nhẹ khi học trực tuyến. Trong khi đó, với yêu cầu đổi mới, ngành giáo dục cần chuyển biến mạnh mẽ trong việc rèn luyện kỹ năng, giao tiếp và xử lý tình huống.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay trong giáo dục phổ thông với yêu cầu đổi mới, các yêu cầu về năng lực và kỹ năng rất quan trọng, cần tăng cường. Bộ trưởng thừa nhận thời gian qua, việc dạy và học trực tuyến ảnh hưởng các kỹ năng, đặc biệt là những kỹ năng hình thành qua tương tác trực quan. Việc này chưa thể cải thiện qua học trực tuyến.

Thời gian tới, học sinh quay lại trường sẽ cần tăng cường, củng cố, trang bị kỹ năng. Bộ trưởng GD&ĐT thông tin, dịch bệnh kéo dài cần giải pháp tổng thể, bài giảng truyền hình sẽ đổi mới, đồng thời có thanh tra, kiểm tra.

Điều chỉnh nội dung chưa phù hợp trong sách giáo khoa

Đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) đề nghị bộ trưởng đưa ra ý kiến, cũng như giải pháp khắc phục cho tình trạng sách giáo khoa Tiếng Việt, Khoa học Tự nhiên của NXB Giáo dục Việt Nam có một số bài học thiếu tính khoa học, giáo dục. Đại biểu Nàng Xô Vi cũng nêu tình trạng 3 giáo viên cùng đứng lớp dạy môn tích hợp ở cấp THCS do việc đào tạo giáo viên theo từng chuyên môn khác nhau.

Bộ trưởng cho biết sau khi nhận phản ánh từ dư luận về vấn đề SGK, Hội đồng chuyên môn, Bộ GD&ĐT đã trao đổi với các tác giả, điều chỉnh kịp thời nội dung trước khi sách được in và chuyển đến tay học sinh. Về lâu dài, Bộ GD&ĐT đang tiến hành điều chỉnh các quy trình, điều kiện đảm bảo sách giáo khoa trong thời gian tới có chất lượng cao hơn.

Với 3 giáo viên cùng đứng lớp dạy môn tích hợp ở cấp THCS, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết trong quá trình thiết kế, bộ đã hướng dẫn các trường sắp xếp để 3 giáo viên thuộc 3 phân môn khác nhau dạy học theo logic của nội dung. Đơn vị sắp xếp đúng, việc triển khai thuận lợi. Đơn vị sắp xếp cả 3 giáo viên cùng dạy sẽ lúng túng. Trong quá trình triển khai, bộ cũng tập huấn cho hơn 9.000 giáo viên cốt cán và sẽ tăng cường hơn trong thời gian sắp tới.





Bộc lộ bất cập trong đội ngũ quản lý, điều hành của địa phương

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long) nhìn nhận trong điều kiện dịch bệnh, ngành giáo dục đã đảm bảo được những nhiệm vụ trọng tâm và được xã hội đánh giá cao. Đội ngũ nhà giáo vượt khó trong tình hình dịch bệnh phức tạp. Tuy nhiên, đội ngũ quản lý, điều hành của địa phương còn bộc lộ những bất cập, cần khắc phục.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay điều kiện dịch bệnh là dịp ngành củng cố niềm tin từ sự nhiệt thành, tận tâm và hy sinh của hơn một triệu giáo viên. Trong đó, phần lớn giáo viên không kêu ca, phàn nàn trên các diễn đàn. Thầy cô sáng tạo trong điều kiện dạy học trực tuyến, đó là điều tích cực.

Tuy nhiên, điều kiện dịch bệnh cũng là dịp Bộ GD&ĐT nhìn thấy một số điều cần điều chỉnh tốt hơn trong thời gian tới. Những chế độ, chính sách còn hạn chế sẽ được rà lại. Việc ban hành chính sách cần đa dạng và mang tính đặc thù của vùng miền, phù hợp thực tế.





Chuẩn bị cho chuyển đổi số trong giáo dục

Trước câu hỏi của đại biểu Phạm Thúy Chinh (Hà Giang) về việc xây dựng, phát triển giáo dục qua mạng ở trạng thái bình thường mới, Bộ trưởng GD&ĐT cho hay điều này đã được triển khai từ trước. Mô hình trên thế giới cũng đặt ra các loại hình trường đại học ảo, đây là phán đoán tất yếu của quá trình chuyển đổi số. Những công việc cần chuẩn bị là cơ sở pháp lý, nền tảng và mô hình thí điểm.

Ở vấn đề thứ hai, đại biểu Phạm Thúy Chinh băn khoăn về việc thiếu giáo viên Ngoại ngữ và Tin học ở miền núi. Giải đáp vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chỉ ra thực tế nhiều giáo viên có cơ hội việc làm nên ngại công tác tại vùng sâu, vùng xa, dù đã có nhiều chính sách ưu đãi. Đây là vấn đề khó khăn, đặt ra giải pháp tăng chỉ tiêu của khu vực này, thu hút đào tạo tại chỗ, chuyển đổi số.

Nhiều học sinh không có thiết bị học online

Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) hỏi nhiều học sinh thiếu thiết bị học tập, việc học tập của những em này như thế nào? Bộ GD&ĐT đánh giá chất lượng dạy học trực tuyến ra sao?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời việc dạy học trực tuyến không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà trên cả thế giới. Chúng ta đã có kinh nghiệm từ năm học trước nhưng bước vào năm học này, quy mô, tính chất, thời gian học trực tuyến là chưa từng có với rất nhiều thách thức.

Thầy trò chuyển sang học trực tuyến trong điều kiện khó khăn. Thực tế, 1,8 triệu học sinh (không phải 1,5 triệu như thống kê hồi đầu năm học) hiện không có bất kỳ thiết bị nào để học trực tuyến. Nhiều gia đình có hai, ba anh chị em chỉ có một điện thoại để học. Trước khi quan tâm đến chất lượng, chúng ta cần quan tâm những cháu không có thiết bị trong tay, đang dần dần bỏ học, điều đó quan trọng nhất.

Có điều đáng mừng là ở những địa phương khó khăn, trong đó có các địa phương phía Bắc, thời gian qua, học sinh được học trực tiếp. Việc đánh giá hiệu quả dạy học trực tuyến, Bộ GD&ĐT theo dõi các đơn vị thường xuyên. Bộ cũng đang tổ chức hỗ trợ thiết bị học tập. Để đánh giá mức độ đạt được của dạy học trực tuyến, chúng ta đang thực hiện, mọi việc còn ở phía trước.

Không phó thác sách giáo khoa cho nhà xuất bản và tác giả

Đại biểu Trần Công Phàn (Bình Dương, ảnh) đề nghị bộ trưởng nói rõ hơn về vấn đề sách giáo khoa. Nhiều cử tri cho rằng sách giáo khoa vẫn còn nhiều lỗi, sạn. Bộ trưởng thấy thế nào về ý kiến này, nếu đúng, bộ trưởng sẽ làm gì để khắc phục, nâng cao chất lượng sách giáo khoa?

Trong phần tranh luận, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng câu trả lời của bộ trưởng về một số bài học thiếu tính khoa học, giáo dục trong sách giáo khoa chưa thuyết phục. Bà nói học sinh đã mua và học sách giáo khoa chứ không phải đã được chỉnh sửa trước khi xuất bản. Do đó, dư luận trông chờ vào giải quyết dứt điểm, kịp thời, minh bạch của bộ, cần có sự trả lời trước công luận càng sớm càng tốt.

Bà Thúy cho rằng tập thể tác giả, NXB Giáo dục Việt Nam phải có trách nhiệm lắng nghe, giải trình trước công luận và đưa ra hướng khắc phục. Bộ GD&ĐT là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt sách giáo khoa, trách nhiệm trước hết là của hội đồng thẩm định do bộ thành lập, đến cơ quan tham mưu của bộ, lãnh đạo bộ.

“Việc phê duyệt sách giáo khoa là của nhiệm kỳ trước nhưng trách nhiệm quản lý Nhà nước là xuyên suốt. Vì vậy, lãnh đạo bộ cần chỉ đạo NXB Giáo dục Việt Nam và tập thể tác giả nói trên trả lời công luận. Nếu có sai sót, lãnh đạo bộ phải chỉ đạo sửa chữa, khắc phục, xử lý theo thẩm quyền”, đại biểu Thúy tranh luận.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết điều ông có thể nói lúc này, cũng quan trọng nhất, là làm những gì để tăng cường chất lượng sách giáo khoa trong thời gian sắp tới. Theo tư lệnh ngành giáo dục, để có được bộ sách giáo khoa chất lượng cần nhiều yếu tố, trong đó người biên soạn rất quan trọng. Tiếp đó là quy trình biên soạn, tổ chức thẩm định, dạy thực nghiệm, lấy ý kiến của các đối tượng liên quan khác nhau.

Ông Sơn cho biết thời gian qua, bộ đang sửa đổi Thông tư 33 quy định về biên soạn, thẩm định và xuất bản sách giáo khoa. Văn bản này đang lấy ý kiến trên mạng. Theo bộ trưởng, chủ trương là bộ giám sát, đồng hành cùng nhóm tác giả ngay từ đầu, không đợi nhóm tác giả, nhà xuất bản mang bản mẫu đến bộ thẩm định, không chỉ phó thác cho các nhà xuất bản, nhóm tác giả.

Bộ GD&ĐT sẽ nâng cao yêu cầu, tiêu chuẩn của thầy cô, nhà khoa học tham gia soạn sách. Các tổ chức, cá nhân cần phải đăng ký trước. Tiêu chuẩn thành viên trong hội đồng cũng được điều chỉnh. Người tham gia biên soạn sẽ không tham gia hội đồng. Ngoài ra, toàn bộ hội đồng thẩm định có thể sẽ được ghi tên vào sách giáo khoa, cùng chịu trách nhiệm để tăng thêm áp lực.

Với phần tranh luận của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, ông Sơn cho biết bộ ghi nhận và sẽ có những chỉ đạo cụ thể trong thời gian sắp tới.





Ba câu hỏi liên quan ưu điểm, hạn chế của sách giáo khoa lớp 1, 2 và 6

Đại biểu Hồng Hạnh (đoàn TP.HCM) đặt 3 câu hỏi liên quan đến ưu điểm và hạn chế của sách giáo khoa lớp 1, 2 và 6. Có nên đưa ứng xử mạng xã hội vào môn học Giáo dục Công dân hay không?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu quan điểm sách giáo khoa được nói nhiều đến "sỏi" và "sạn" trên các trang mạng xã hội, tuy nhiên sản phẩm này là trí tuệ của hàng trăm nhà giáo ít ai biết đến. Qua đánh giá cho thấy nhiều giáo viên dạy lớp 1 hứng thú với sách giáo khoa mới khi thầy cô được chủ động hơn, học sinh cũng có khả năng đọc, viết năng động hơn.

Vấn đề dạy học sinh ứng xử trên mạng xã hội được Bộ trưởng GD&ĐT đánh giá quan trọng nhưng để được đưa vào môn học chính thức cần lắng nghe ý kiến chuyên gia. Tư lệnh ngành giáo dục cho biết sẽ hết sức quan tâm vấn đề này.
Bộ trưởng GD&ĐT nói về sách giáo khoa lớp 1, 2 và 6 Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng nhiều giáo viên lớp 1 hứng thú khi dạy bộ sách giáo khoa mới. Thầy, cô chủ động, trong khi học sinh có khả năng đọc, viết năng động hơn.

'Con em chúng tôi trưởng thành một phần nhờ học thêm'

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình, ảnh) chất vấn việc tuyển sinh khối ngành sức khỏe đang có chênh lệch rất lớn. Nhiều trường chênh nhau đến 10 điểm, trong khi chất lượng đầu vào rất quan trọng, phần nào quyết định chất lượng đầu ra. Ngành y tế chỉ cần một quyết định sai cũng rất nguy hiểm. Các bác sĩ thực tập tuyến huyện sẽ không bằng được thực tập ở tuyến trung ương. Điều kiện để mở ngành sức khỏe rất chặt chẽ. Tuy nhiên, có những trường, tôi được biết, khi Bộ GD&ĐT cho phép mở ngành sức khỏe đã không hỏi ý kiến Bộ Y tế. Vừa qua, Bộ Y tế kiểm tra, có một số nơi không đảm bảo điều kiện đào tạo.

Trả lời đại biểu Thu Dung, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết khi cho phép mở ngành sức khỏe, Bộ GD&ĐT đều có hỏi ý kiến Bộ Y tế. Bộ GD&ĐT đang có đoàn rà soát vấn đề này và sẽ lưu ý.

Đại biểu Nguyễn Công Long chất vấn bộ trưởng nói dạy thêm, học thêm lúc bình thường đã cấm, học trực tuyến càng cấm. Tôi rất đồng tình nhưng có vẻ chúng ta chưa giải quyết được căn nguyên của vấn đề. Dạy thêm, học thêm như vấn nạn của xã hội. Chúng ta tư duy cái gì không quản được thì cấm. Chúng ta nên xem đó như một nhu cầu của học sinh, phụ huynh. Tôi thú thực con em của chúng tôi cũng trưởng thành một phần nhờ học thêm. Việc dạy thêm, học thêm xuất phát từ vấn đề lương của giáo viên quá thấp. Nhiều giáo viên coi dạy thêm như phao cứu sinh. Tôi mong ngành giáo dục cần nhìn lại. Qua 2 đợt dịch bệnh, tôi thấy giáo viên cũng là đối tượng cần hỗ trợ.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời rằng trước kia dạy thêm, học thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng sau đó quy định này bị bỏ. Nếu giáo viên dạy thêm cho chính học sinh của mình, dạy trước nội dung, cho những đối tượng riêng biệt được xếp vào đạo đức công vụ. Trong điều kiện học trực tuyến đã rất căng thẳng, việc này cần được lên án.





Không bê nguyên chương trình trực tiếp để dạy online

Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (đoàn Cần Thơ) đặt câu hỏi việc dạy học trực tuyến vẫn dạy theo nội dung chương trình trực tiếp, Bộ GD&ĐT có kế hoạch gì để điều chỉnh nội dung chương trình học? Nhiều học sinh thi tốt nghiệp THPT với điểm rất cao, 9 điểm mỗi môn vẫn trượt đại học. Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân là các trường đại học tự xác định chỉ tiêu, điểm chuẩn. Ý kiến của bộ trưởng thế nào?

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, việc dạy chương trình giáo dục, bộ đã ban hành văn bản để xác định chương trình cốt lõi theo hướng tinh giản để dạy trực tuyến và qua truyền hình. Các năm 2019, 2020, trước tình hình dịch bệnh, bộ đã 2 lần tinh giản chương trình. Năm nay, bộ rà soát thêm một lần nữa. Lần này, bộ xác định đây là chương trình cốt lõi chứ không phải rút gọn.

Các địa phương đang dạy trực tiếp, sẽ dạy trước chương trình cốt lõi, nếu còn thời gian thì quay lại củng cố, bổ sung. Những nơi dạy trực tuyến sẽ bám theo chương trình cốt lõi. Do đó, chương trình cốt lõi đáp ứng yêu cầu dạy học trong dịch bệnh, không phải bê nguyên chương trình trực tiếp lên trực tuyến.

Việc 165 thí sinh điểm thi rất cao (27 điểm trở lên) nhưng không đỗ nguyện vọng nào, đa số là những em chỉ đăng ký 1 nguyện vọng vào các trường công an, quân đội. Việc nhiều em điểm cao nhưng vẫn trượt đại học có phần nào nguyên nhân là các trường đặt ra nhiều phương thức xét tuyển, mỗi phương thức có một số chỉ tiêu nhất định dẫn đến nhiều em khó trúng tuyển. Việc tuyển sinh là quyền của các trường. Nhưng các quyền đó phải nằm trong chế tài chung. Trong một trường đại học không nên có quá nhiều phương thức xét tuyển, làm thí sinh, xã hội khó theo dõi. Bộ sẽ xem xét, điều chỉnh vấn đề này.





Học liệu đưa vào nhà trường đều phải chuẩn mực

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) hỏi bộ trưởng đã khẳng định chương trình giáo dục phổ thông mới đúng hướng nhưng điều đó phải đánh giá qua sách giáo khoa. Sách giáo khoa mới chỉ được thực nghiệm có 10%. Liệu chúng ta có cần một quy trình bất di, bất dịch? Bộ có nghiên cứu khách quan, tổng kết việc triển khai sách giáo khoa mới trong thời gian qua chưa?

Bộ trưởng trả lời sách giáo khoa đang được biên soạn để phục vụ chương trình giáo dục phổ thông 2018, so với sách giáo khoa trước đây có sự khác biệt. Sách giáo khoa hiện nay được xem là học liệu. Đây là căn cứ để xã hội hóa biên soạn sách. Nhưng quan điểm của bộ, bất cứ học liệu nào được đưa vào nhà trường đều phải chuẩn mực và có chất lượng tốt nhất. Việc thực nghiệm sách thiên về xem giáo viên sử dụng, thực hành ra sao để thực hiện chương trình giáo dục. Còn tính đúng sai của tài liệu thuộc về trách nhiệm của hội đồng thẩm định.

Về việc thực nghiệm, do đây là tài liệu nên quá trình triển khai thiên về việc giáo viên sử dụng thế nào, thực hành ra sao để thực hiện được chương trình. Còn tính khoa học, chính xác đúng sai như thế nào thuộc trách nhiệm của Hội đồng thẩm định quốc gia. Thông tư 33 hiện hành không nêu tỷ lệ thực nghiệm bao nhiêu phần trăm, mà chỉ quy định hồ sơ trình nộp có mô tả về thực nghiệm. Khi sửa Thông tư 33 nhằm tăng cường chất lượng sách giáo khoa, bộ nêu mức tối thiểu thực nghiệm là 10%, 15%, 20% cho sách giáo khoa có đặc điểm khác nhau. Chúng tôi sẽ xem xét hoàn thiện trước khi ký ban hành.





Đại biểu đề xuất 4 giải pháp chấm dứt dạy thêm

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) cho rằng câu chuyện dạy thêm, học thêm vẫn chưa có hồi kết. Ông đưa ra 4 giải pháp để giải quyết vấn đề này về mặt chiều sâu. Đầu tiên là giảm tải chương trình sách giáo khoa, chúng tôi đã khảo sát, nhiều nội dung chưa phù hợp, khối lượng kiến thức quá nhiều. Ông đề nghị bộ trưởng quan tâm đến vấn đề này.

Thứ hai là đổi mới phương pháp dạy học, chuyển từ dồn ép kiến thức sang dạy tư duy. Ông đồng tình khi bộ trưởng nói sẽ chấm dứt tình trạng văn mẫu, chuyển sang cách dạy sáng tạo.

Giải pháp thứ ba là thay đổi phương án thi cử. Chúng ta cần đổi mới thi cử mạnh mẽ hơn, tập trung vào sự sáng tạo của học sinh hơn là thi theo mẫu.

Thứ tư là tổ chức trường học. Nếu còn hệ thống trường chuyên thì vẫn còn dạy thêm học thêm. Ông không phủ nhận lợi ích của trường chuyên nhưng cần thay đổi cách tổ chức.





Địa phương vùng xanh cho trẻ đến trường

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) hỏi sau thời gian dài tạm dừng đến trường để phòng dịch, nhiều phụ huynh đều muốn cho con đi học lại. Nhưng một số phụ huynh tiểu học chưa thật yên tâm khi con chưa được tiêm vaccine. Bộ GD&ĐT có giải pháp gì?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết ngành đã lên kế hoạch, thúc đẩy học sinh đến trường an toàn. Chúng tôi đã có hướng dẫn về chuyên môn và định hướng. Xã, phường nào đang là vùng xanh, vùng an toàn thì nên cho các cháu đến trường. Hiện nay, các địa phương đang xử lý đến cấp quận, huyện. Bộ Y tế đã nhắc đến việc tiêm vaccine cho học sinh 3-12 tuổi nhưng đó là câu chuyện tương lai. Trước mắt, học sinh đến trường có các biện pháp an toàn phòng chống dịch.





Mở đường cho tự chủ đại học

Trước câu hỏi chất vấn của đại biểu Lương Văn Hùng (đoàn Quảng Ngãi) về việc đẩy mạnh tự chủ ở các trường, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay chủ trương triển khai tự chủ đại học giáo dục là thay đổi lớn của Đảng, Nhà nước và Quốc hội, ngành giáo dục đã từng bước thực hiện trong năm qua. Từ nhiều năm trước, các văn bản quản lý điều hành của Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh theo hướng quản lý tạo điều kiện cho tự chủ.

Trong đó, Luật Giáo dục Đại học sửa đổi ra đời là bước mở đường quan trọng cho tự chủ đại học. Việc xây dựng quy chế đào tạo từ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo hướng tăng quyền tự chủ cho trường đại học, Bộ GD&ĐT quy định tính chất khung chung, tối thiểu yêu cầu. Một trong những chuyển biến quan trọng đó là Bộ GD&ĐT đã ban hành và đánh giá các chuẩn về: Trường học, giáo viên, chương trình đào tạo.

Thời gian sắp tới, Bộ GD&ĐT tăng cường chuyển biến quan trọng, từ chỗ mệnh lệnh, hành chính trực tiếp sang dùng công cụ kiểm định để quản lý các trường tự chủ. Các bộ tiêu chuẩn, tiêu chí, lực lượng và trung tâm kiểm định đang từng bước hoàn thiện. Sử dụng công cụ kiểm định, sử dụng chế tài, xử phạt nghiêm minh là phù hợp các trường đại học thời tự chủ. Thực tế các trường đang thực hiện tự chủ theo luật định. Bộ GD&ĐT đã, đang điều chỉnh mạnh để quản lý được tốt, phù hợp, tiếp tục mở đường cho tự chủ đại học.






Học trực tuyến chưa hiệu quả, có nên lùi đánh giá học sinh?

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) cho rằng việc dạy học trực tuyến chưa hiệu quả, có nên lùi lại một năm học, coi như năm nay là dự bị, kết quả đánh giá để năm học sau.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay việc học trực tuyến là phi truyền thống. Hoạt động chuyển đổi số của thế giới và Việt Nam trên quy mô bổ trợ đã có từ lâu, nhưng học trực tuyến chưa có tiền lệ nếu thực hiện trong thời gian dài. Vì vậy, trong quá trình thực hiện cần điều chỉnh và hoàn thiện là điều khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, chúng ta không vì thế mà không triển khai đánh giá. Học đến đâu cần kiểm tra đánh giá đến đó, tính đến tác động của khó khăn và biết tình hình học một năm. Việc bồi dưỡng, bồi đắp kiến thức cho lứa học sinh thiệt thòi là công việc của nhiều năm.

Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT linh hoạt

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết hiện nay, nhiều trường đại học đào tạo tràn lan, tranh thủ thu hút sinh viên để có chi phí. Sinh viên ra trường phải giấu bằng cấp để tìm việc hoặc việc làm trái với ngành học. Nên chăng, các trường phải cam kết sinh viên có việc làm khi ra trường? Ông Hòa cũng đặt vấn đề bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng khó để các trường đại học cam kết việc làm cho sinh viên. Các trường đại học đã phối hợp doanh nghiệp để dự báo nhân lực, cùng đào tạo nhưng quyền tuyển dụng là trong tay doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng không dám đặt bút ký cam kết sử dụng bao nhiêu sinh viên của một trường. Do đó, việc này rất khó.

Về việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông Sơn cho biết kỳ thi đã được luật hóa. Kỳ thi có tác dụng đánh giá kết quả học tập của học sinh và đây vẫn là căn cứ để các trường đại học tuyển sinh. Về kỳ thi năm 2022, bộ đang lên kế hoạch để tổ chức kỳ thi linh hoạt hơn, căn cứ tình hình dịch bệnh.

Bộ GD&ĐT đang xây dựng ngân hàng đề lớn hơn, đáp ứng việc tổ chức thi linh hoạt, nhiều đợt hơn, thậm chí có thể mỗi địa phương một kế hoạch thi. Nhưng như thế công tác tổ chức thi sẽ có nhiều khó khăn, tốt nhất vẫn là tổ chức một đợt thi hoặc một nhóm địa phương một đợt.





30% trường phổ thông thiếu nhân viên y tế

Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu vấn đề chăm sóc sức khỏe học đường là quan trọng nhưng còn nhiều khó khăn, hạn chế do nhiều cơ sở thiếu biên chế y tế. Giải pháp của Bộ GD&ĐT là gì?

Trả lời câu hỏi của đại biểu đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin hiện nay, số trường phổ thông thiếu nhân viên y tế là 30%. Sắp tới, nếu tuyển dụng toàn bộ sẽ làm gia tăng bộ máy biên chế. Vì thế, trước mắt, Bộ GD&ĐT cùng Bộ Y tế thống nhất chỉ đạo các địa phương căn cứ tình hình phòng chống dịch và điều kiện nhân lực trên địa bàn, cử nhân viên y tế đến công tác tại trường học.

Hiện nay, nhiều cơ sở trường học, ký túc xá được trưng dụng làm nơi cách ly Covid-19, khiến việc đưa học sinh trở lại trường khó khăn. Trước tình hình đó, Bộ GD&ĐT sẽ xử lý thế nào? Về các cơ sở giáo dục được trưng dụng làm khu cách ly, khi dịch bệnh được kiểm soát, các địa phương sẽ nhanh chóng hoàn trả hiện trạng, tu sửa, rà soát điều kiện hạ tầng để trả lại cho nhà trường trong thời gian sớm nhất.





Hỗ trợ trường mầm non ngoài công lập

Đại biểu Phúc Bình Niê KDăm (Đắk Lắk) đặt câu hỏi về cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ cơ sở giáo dục, đặc biệt bậc mầm non, để các cơ sở giáo dục ngoài công lập vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19.

Bộ trưởng cho hay trước dịch bệnh, hệ thống các trường tư thục, đặc biệt bậc mầm non, chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Trường mầm non đang đảm nhận việc nuôi dạy 22,3% số trẻ trong độ tuổi đến trường, có 90.500 người lao động trong hệ thống này, hơn 9.000 cơ sở. Nhiều cơ sở đóng cửa, sang tên. Người lao động chuyển việc. 1,2 triệu trẻ mầm non có nguy cơ không có chỗ học. Phụ huynh ở nhà trông con, không đi làm, ảnh hưởng nguồn nhân lực. Do đó, bộ đã tính toán, có cơ sở dữ liệu, số lượng người lao động chịu ảnh hưởng xây dựng phương án đề xuất gói hỗ trợ hơn 800 tỷ đồng, trình Chính phủ xem xét. Bên cạnh đó là các cơ chế hỗ trợ vay vốn, thuế… cho cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.

Cơ hội của ngành giáo dục khi thay đổi thói quen cũ

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn về những vấn đề lớn và giải pháp chiến lược để học tập trong thời gian sắp tới.

Bộ trưởng GD&ĐT nêu lên việc dạy và học trực tuyến cần tương lai bền vững, hệ thống nền tảng cho quốc gia. Chỉ khi nào xây dựng được nền tảng đủ mạnh với trang thiết bị, cơ sở vật chất đầy đủ, việc học trực tuyến mới đảm bảo được. Phương diện con người rất quan trọng, tinh thần, thái độ xem việc học trực tuyến là một phần chuyển đổi số lâu dài, chứ không phải chỉ ứng phó dịch bệnh. Học liệu cần tăng cường, đảm bảo cho triển khai bền vững.

Ngành sẽ có nghiên cứu, khảo sát sâu về chuyên môn, có điều chỉnh trong tương lai. Trong “nguy” có “cơ”, ngành giáo dục chuyển trạng thái nền giáo dục từ bình thường sang ứng phó với dịch, từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến. Một trong những điều quan trọng là cơ hội đổi mới và thay đổi thói quen cũ, kỹ năng và nhận thức cũ.

Sẽ có chính sách hỗ trợ giáo viên

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Đắk Lắk) chất vấn những chính sách ngành đang triển khai có đủ để thu hẹp khoảng cách về giáo dục, cũng như thực hiện đổi mới thành công hay không. Bà đặt câu hỏi ngành giáo dục có kế hoạch tham mưu Chính phủ ban hành chính sách mới nào để ngành thích nghi với trạng thái bình thường mới? Ngoài ra, nữ đại biểu cũng hỏi bộ trưởng sẽ làm gì để phụ huynh, người học, xã hội, giáo viên yên tâm sẽ đổi mới thành công trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, quan điểm trái chiều nay lại thêm tác động của Covid-19.

Trả lời, bộ trưởng cho biết trong quá trình ứng phó, một số thứ mới tạm thời. Ông ví dụ một số ý kiến cho rằng giáo viên dạy trực tuyến vất vả, áp lực, cần quy đổi giờ không để giáo viên đỡ thiệt thòi. Các đơn vị chức năng của bộ đã làm việc này, tính toán nhưng trước mắt toàn ngành thống nhất trong khi ngành y tế, công an, quân đội… vất vả chống dịch, ngành giáo dục chưa nên tính thêm thù lao. Nhưng khi công việc ổn định, nếu lâu dài thì phải thành chế độ, chính sách. Từ thực tế, bộ sẽ tính toán, đề xuất Chính phủ một số chính sách.

Với câu hỏi số hai, ông Sơn cho hay ngành giáo dục đang hoàn thiện chiến lược giáo dục đào tạo giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, bộ xác định mấy hướng quan trọng, chọn chuyển đổi số, tăng cường hạ tầng là khâu mang tính đột phá. Nhân tố then chốt là xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, năng lực, phẩm chất, đội ngũ chuyên gia đầu ngành giỏi, tầm quốc tế cho giáo dục đại học. Trước mắt là rà soát lại cơ chế chính sách, thể chế. Phát triển giáo dục và đào tạo trong tầm nhìn tương lai xa đã có định hướng rõ ràng.





Rà soát, đảm bảo quyền lợi cho giáo viên vùng cao

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) thắc mắc về chế độ cho giáo viên tại thị xã Gia Nghĩa. Vấn đề này từng được ông đưa ra trong phiên chất vấn buổi sáng và đại biểu này đánh giá phần trả lời của bộ trưởng chưa thuyết phục. Ông đề nghị bộ trưởng trả lời tại sao giáo viên của 14/15 thị xã, thành phố thuộc tỉnh vùng cao được hưởng chế độ giáo viên miền núi mà giáo viên ở thị xã Gia Nghĩa, cũng ở vùng cao, nhưng không được.

Bên cạnh đó, ông Mai cho biết về tiêu chí, vùng cao khó hơn miền núi, đặc biệt tại Gia Nghĩa trong bối cảnh đại dịch 2 năm qua. Ông đặt câu hỏi liệu giáo viên vùng cao có được hưởng chế độ miền núi không.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết chính sách ban hành, nhưng việc thực thi đa dạng, có thể cần rà soát thêm. Nhưng ở thời điểm thực hiện chính sách phải căn cứ quy định của chính sách rồi mới rà soát. Ông cũng cho rằng việc điều chỉnh quy định trong văn bản 244 rất cần thiết. Bộ sẽ thể hiện trách nhiệm với quyền lợi của giáo viên.






Vừa thừa, vừa thiếu giáo viên

Bà Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết để giải quyết thừa, thiếu giáo viên, Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT đã rà soát rất kỹ lưỡng báo cáo của 63 tỉnh, thành. Theo thống kê, chúng ta đang thiếu hơn 94.000 giáo viên; giáo viên thừa là hơn 10.000; biên chế đã giao mà chưa tuyển dụng là hơn 42.000. Hai bộ đã căn cứ định mức giáo viên trên lớp và xác định còn thiếu hơn 65.000 giáo viên.

Chúng ta đang tập trung quyết liệt tinh giảm biên chế, sáp nhập các cơ quan hành chính, trong đó có giáo dục đào tạo, đặc biệt là đại học. Từ năm 2021-2025, chúng ta tiếp tục thực hiện mục tiêu này nên các địa phương cần rà soát mạng lưới trường lớp, giảm những trường cần giảm. 37 địa phương làm rất tốt.

Thứ hai, tập trung đẩy mạnh tự chủ, xã hội hóa giáo dục, nhất là mầm non, phổ thông. Có những vấn đề còn phát sinh, hai bộ sẽ rà soát các văn bản quy định pháp luật, xem cần bổ sung vấn đề gì để đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục.

Bà Trà đề nghị Bộ Tài chính thay thế Nghị định 59 đã hết hiệu lực để các cơ sở giáo dục thực hiện xã hội hóa. Bà cũng đề nghị Bộ GD&ĐT rà soát định mức số học sinh, giáo viên trên một lớp, phù hợp từng vùng miền để cơ cấu lại đội ngũ giáo viên, tham mưu cho Chính phủ về tự chủ đại học.

Biện pháp giải quyết trước mắt theo tinh thần có học sinh thì phải có giáo viên, bổ sung giáo viên theo lộ trình nhưng gắn với xã hội hóa, tự chủ, đảm bảo cơ cấu hợp lý. Bà Trà đề nghị các địa phương thực hiện hợp đồng giáo viên thay cho người nghỉ thai sản hoặc các vấn đề khác theo số lượng được giao.






Đảm bảo hạ tầng cho ngành giáo dục dạy học trực tuyến

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói về hạ tầng đảm bảo học trực tuyến cho ngành giáo dục. Theo đó, mạng di động còn 2.000 điểm lõm sóng. Hai tháng vừa qua đã phủ sóng 1.000 điểm, một nửa còn lại cố gắng phủ sóng trong năm 2021, chậm nhất đến tháng 1/2022 sẽ phủ sóng hết. Hiện, 8 triệu hộ gia đình chưa có điểm cáp quang cố định, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp phấn đấu chậm nhất năm 2025, các gia đình ở Việt Nam sẽ có cáp quang.

Chương trình “Sóng và máy tính cho em” có tổng giá trị 6.000 tỷ đồng với ba cấu phần. Thứ nhất, một triệu máy tính bảng sẽ dành tặng các em với giá trị 2.500 tỷ đồng, hiện giao được trên 100.000 máy. Do đứt gãy chuỗi cung ứng nên việc mua máy tính gặp khó khăn, từ tháng sau, máy tính sẽ về nhanh hơn.

Thứ hai, gói phủ 2.000 điểm phát sóng có tổng giá trị 3.000 tỷ đồng. Thứ ba, việc miễn giảm cước học trực tuyến cho một số đối tượng hết năm nay là 500 tỷ đồng. Việt Nam đang có 6 nền tảng học trực tuyến là: Truyền hình, học liệu, nội dung, bài giảng mẫu, bài giảng hay, nền tảng tự học của học sinh. Các nền tảng này có 10 triệu học sinh tham gia, được các doanh nghiệp Việt Nam miễn phí trong giai đoạn dịch bệnh.

Bộ GD&ĐT và Bộ Thông tin và Truyền thông đang soạn thảo tiêu chí, tiêu chuẩn cho các nền tảng này, sẽ đánh giá và công bố nền tảng đạt chuẩn. Để đảm bảo an toàn, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát triển nền tảng để bố mẹ có thể cài vào máy tính cho con nhằm kiểm soát việc dùng máy tính, điện thoại. Chương trình chuyển đổi số quốc gia có ưu tiên cao cho chuyển đổi số ngành giáo dục. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đồng hành với ngành giáo dục trong công cuộc chuyển đổi số có tính cách mạng này.





Dịch Covid-19 có thể làm chậm tiến trình đổi mới giáo dục

Kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết giáo dục là một trong những ngành chịu tác động tiêu cực nhiều nhất từ dịch Covid-19. Dịch không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến dạy và học mà còn có thể làm chậm tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục bậc đại học theo tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng.

Phiên chất vấn thu hút sự quan tâm của đại biểu, hàng chục triệu học sinh, phụ huynh, toàn quốc. 28 đại biểu đã chất vấn, 10 ý kiến tranh luận, 1 đại biểu gửi câu hỏi nhưng bộ trưởng chưa trả lời. Ngoài ra, 20 đại biểu đăng ký nhưng chưa chất vấn. Chủ tịch Quốc hội đề nghị 21 đại biểu gửi phiếu chất vấn đến bộ trưởng để được trả lời bằng văn bản.

Ông Huệ đánh giá bộ trưởng giữ cương vị không lâu nhưng đã tỏ rõ sự tự tin, nắm cơ bản các vấn đề của ngành, lĩnh vực phụ trách, đã trả lời kỹ lưỡng các ý kiến. Phiên chất vấn đề cập nhiều vấn đề nóng của giáo dục trong đại dịch Covid-19 như việc đảm bảo chất lượng dạy và học, tiếp tục đổi mới giáo dục trong điều kiện dịch bệnh.

Bộ trưởng GD&ĐT đã trả lời làm rõ thực trạng, khó khăn, vướng mắc, giải pháp thực hiện trong thời gian tới đối với những vấn đề đặt ra, có phân tích theo từng cấp học. Các đại biểu yêu cầu bộ trưởng cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, sâu sắc, đầy đủ, toàn diện hơn những ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành của bộ, thích ứng trong tình hình mới.






Nguyễn Trí Hiển
www.nguyentrihien.com
2021
edtech | elearning | giáo dục trực tuyến | startup | mentor | đầu tư giáo dục | educoin
Designed by OddThemes | Distributed by Gooyaabi Templates