Kinh tế chia Sẻ 2015, tiềm năng lớn, thách thức không nhỏ!

Năm 2014 chứng kiến sự bùng nổ của mô hình UBER, điều đó một lần nữa khẳng định xu thế của kinh tế chia sẻ.



Xin giới thiệu các mô hình nổi bật thuộc nền kinh tế chia sẻ.

RelayRides

Chia sẻ xe ô tô trong cộng đồng, tận dụng nguồn tài nguyên đang bị lãng phí là những chiếc xe ô tô được tư nhân sở hữu. Chủ sở hữu xe có thể cho thuê xe của mình trên nền tảng, thường kiếm trung bình 300 – 500 USD/ tháng, có người kiếm 1000 USD/ tháng. Người thuê xe là lái xe an toàn trong ít nhất 2 năm (không đâm xe, không bị phạt). Người thuê xe sẽ đến gặp người chủ xe để nhận chìa khóa, sau đó trả lại chìa khóa khi thuê xong. Kết thúc quá trình giao dịch người thuê và người cho thuê có thể đánh giá lẫn nhau. Công ty phục vụ thị trường Mỹ. Số liệu thêm: mỗi chiếc xe thường chỉ được dùng 1 tiếng/ ngày; giá của RelayRides thấp hơn giá của công ty cho thuê xe khoảng 35%. RelayRides đã thực hiện pivot gần đây, trước đó cho thuê xe thông qua thẻ, người thuê sẽ cầm thẻ thành viên để mở xe, rồi dùng xong thì trả xe về đúng chỗ.

Airbnb

Chia sẻ nhà ở cho người đi du lịch, tận dụng nguồn tài nguyên đang lãng phí là những căn phòng không dùng đến. Chủ sở hữu nhà cho thuê nhà mình trên nền tảng, người thuê nhà sẽ lên nền tảng để tìm căn nhà phù hợp. Sau giao dịch người thuê và người cho thuê có thể đánh giá lẫn nhau trên nền tảng. Airbnb có mặt trên rất nhiều nơi trên thế giới và đã có mặt tại Việt Nam. Công ty được đánh giá khoảng 10 tỉ USD. Một số số liệu khác: Airbnb phục vụ 180.000 khách du lịch tới Brazil dự World Cup. Giá thuê nhà thấp hơn giá thuê phòng khách sạn khoảng 3 lần.

Uber

Công ty taxi cộng đồng, tận dụng nguồn tài nguyên là xe đang lãng phí và người lao động không kiếm được việc làm trong cộng đồng. Chủ sở hữu xe sẽ đăng ký trên nền tảng, làm bài kiểm tra khả năng lái xe. Người muốn đi xe sẽ lên nền tảng tìm xe gần đó, liên lạc để người lái xe đến nơi và chở mình đi. Sau sử dụng dịch vụ, người lái và người dùng dịch vụ sẽ đánh giá lẫn nhau trên nền tảng. Uber bắt đầu kinh doanh trong lĩnh vực xe hạng sang, sau đó mở ra các lĩnh vực khác như xe bình dân, xe SUV, vận chuyển… Mức giá thường rẻ hơn các dịch vụ cung cấp bởi công ty truyền thống. Uber được định giá 18,2 tỉ USD. Uber có mặt tại Việt Nam vào tháng 6/2014, kết hợp cả taxi cộng đồng và đi chung xe.

TaskRabbit

Giúp đỡ nhau trong cộng đồng. Người có công việc cần thực hiện nhưng không đủ khả năng (thiếu thời gian, kĩ năng…) sẽ đưa lên nền tảng, tìm người lao động phù hợp (kĩ năng, mức giá, vị trí). Người lao động tới làm việc, và được thanh toán online. Sau khi kết thúc công việc, người lao động và người thuê sẽ đánh giá lẫn nhau trên nền tảng. TaskRabbit được đầu tư 38 triệu USD vào 2012. TaskRabbit mới thực hiện pivot. Trước đây người lao động sẽ đấu giá để nhận được công việc. Bây giờ họ chỉ cần đăng kỹ năng, số tiền muốn nhận và chờ được thuê.

KickStarter

Gọi vốn từ cộng đồng để thực hiện các dự án. Người có dự án nghệ thuật, phát triển phần mềm, nghiên cứu khoa học công nghệ sẽ đăng nội dung dự án của mình lên nền tảng để cộng đồng người dùng KickStarter xem xét cấp vốn. Người cấp vốn có thể thu lại được những sản phẩm như áo phông, phần mềm sử dụng, sản phẩm mẫu… của dự án mà họ cấp vốn, tùy theo mức tiền mà họ bỏ ra để ủng hộ. Công ty đã cấp vốn được khoảng 1 tỉ USD, cho hơn 100.000 dự án.

Mô hình cho vay trong cộng đồng Peer lending: là mô hình mà trong đó các đối tượng trong cộng đồng cho vay người trong cộng đồng, không thông qua trung gian là ngân hàng. Ví dụ, các làng xã, khu dân phố thành lập quỹ chung dùng để hỗ trợ cho người trong khu gặp việc khẩn cấp.Một ví dụ khác là công ty cung cấp dịch vụ kết nối người cho vay và cần vay tại Anh, được thành lập vào năm 2005 và tới nay đã cho vay ra khoảng 1 tỉ USD. Nền tảng đánh giá người vay thông qua dữ liệu quá khứ và tập hợp dữ liệu thu thập được từ nhiều nguồn để đưa ra mức độ an toàn của khoản vay. Các khoản vay trên nền tảng thường có lãi suất thấp hơn, nhưng người cho vay lại thu được nhiều hơn gửi vào ngân hàng, theo công ty là do chi phí tổ chức của công ty thấp hơn của ngân hàng.

Bartering giữa các doanh nghiệp: Các doanh nghiệp có những tài sản, máy móc thừa, nhà kho chưa dùng đến, sản phẩm tồn kho… có thể trao đổi với nhau để cả hai bên cùng có lợi, đồng thời tiết kiệm thời gian do không phải thông qua việc chuyển tiền. Hoặc các doanh nghiệp có những kĩ năng chuyên môn riêng biệt có thể thực hiện training cho một nhóm doanh nghiệp, chia sẻ kĩ năng của mình, nhận về thông tin hữu ích… Thị trường chia sẻ doanh nghiệp với doanh nghiệp có thể còn lớn hơn so với thị trường chia sẻ giữa người dân.

Car Pooling
Đi chung xe: Xuất phát vào năm 1970 khi giá xăng tăng cao, thịnh hành ở Đức vào cuối thế kỉ 20, với đặc điểm của xã hội là những người đi làm phải di chuyển khá xa, cần phải dùng xe ô tô, chi phí xăng rất cao. Vì thế người dân đi chung xe với nhau để tiết kiếm tiền di chuyển. Mô hình phổ biến đến nỗi quốc gia này xây dựng làn đường dành riêng cho các xe chở đông người. Xe chở 1 người không được đi làn đường này.Cùng với sự xuất hiện của Internet, rất nhiều công ty tận dụng công nghệ này để kết nối người cần đi chung và người có xe nhằm thúc đẩy việc chia sẻ xe hơn nữa.


Định nghĩa nền kinh tế chia sẻ (các tên gọi khác là sharing economy, collaborative economy, the mesh…) là hệ thống kinh tế đề cao chia sẻ và hợp tác hơn tư hữu. Con người thay vì sở hữu để thỏa mãn nhu cầu của mình thì sẽ tìm những nguồn lực trong cộng đồng. Nền kinh tế chia sẻ đang phát triển vì nó tái phân phối tài nguyên đang không được sử dụng hiệu quả (sản phẩm mua rồi nhưng không dùng, máy móc không được khai thác tối đa thời gian sử dụng) sang chỗ mà nó được dùng hiệu quả hơn. Trong xã hội mà ô tô chỉ được dùng trung bình 1 tiếng 1 ngày (dưới 5% thời gian), 99% đồ gia dụng không được sử dụng lại trong 6 tháng… thì việc tái phân phối này là cần thiết để tiết kiệm tiền của người dùng và tài nguyên của xã hội.


Các mô hình Kinh tế chia sẻ

  • Mạng lưới Product service - cung cấp dịch vụ để thay việc mua sản phẩm: sản phẩm chuyển thành dịch vụ, sở hữu trở thành cho thuê, bán một lần chuyển thành cho thuê theo mức sử dụng.
  • Chợ tái phân phối nguồn lực: từ nơi nó không được cần sang nơi nó được cần hơn (ebay, Craigslist, 99dresses…)
  • Lối sống hợp tác: nền tảng giúp chia sẻ và trao đổi những tài sản như thời gian, kĩ năng, tiền, kinh nghiệm… (Aribnb, TaskRabbit, SkillShare)

Kinh tế chia sẻ làm thay đổi định nghĩa lãng phí, hướng đến tập trung vào khái niệm tái sử dụng và xây dựng tính tuần hoàn sử dụng.

Trong cuốn sách Story of Stuff, tác giả Annie Leonard trình bảy rõ về điều này, và cũng hướng đến giải pháp bền vững là sản xuất ít đi và sản xuất tại địa phương, tập trung vào tái sử dụng, xây dựng vòng tuần hoàn.




Giải pháp tốt cần đạt 4 chữ:

  • Give people more power – cho người dân thêm lựa chọn, thêm khả năng, quyền lực
  • Open new ways of happiness – cho người dân cách mới để sống tốt
  • Account for all cost – Tính toán đến chi phí mà toàn bộ cộng đồng phải bỏ ra.
  • Lessen the wealth gap – giảm khoảng cách giàu nghèo.


Kinh tế chia sẻ (Sharing economy) giúp con người tự dựa vào nhau mà sống, có thể tin tưởng vào hệ thống đánh giá peer to peer, có quyền năng đánh giá người khác, mở ra con đường hạnh phúc khi chia sẻ và giảm chạy theo vậy chất, tiêu dùng, tuy nhiên trong nền kinh tế chia sẻ cần tính đến đối tượng nghèo đói trong xã hội. Nếu chưa làm cho đối tượng này sống tốt hơn thì mô hình mới vẫn chưa tốt hơn mô hình cũ.



Chúng ta nhận thấy, xã hội châu Á đón nhận nền kinh tế chia sẻ nhanh hơn, Singapore đã hợp tác với các công ty để đi theo hướng xanh.

  • Công nghệ giúp cho việc tổ chức tài nguyên dễ dàng hơn: Trước khi có Internet việc bán lại đồ cũ rất khó khăn. Sau đó có Ebay.
  • Trước khi có Internet, liên lạc để thuê nhà khó khăn. Sau đó có Airbnb.
  • Trước khi có Smartphone và GPS, gọi taxi rất khó. Sau đó có Uber.
  • Trước khi có mạng xã hội và cách tư duy mạng xã hội, việc tin tưởng người lạ rất khó khăn. Sau khi có, chúng ta tin vào một người lạ thông qua hồ sơ tài khoản cá nhân của anh ta. Chúng ta tin tưởng hơn vào dịch vụ vì có thể đánh giá anh ta sau đó.
  • Trước khi có thanh toán online, mô hình chia sẻ không scale do công ty khó có lợi nhuận. Chỉ nhỏ như thư viện, CLB…

Lợi thế của công nghệ đem tới cho mô hình là giảm những khó khăn khi giao dịch, tăng tốc độ trao đổi thông tin, từ đó tăng sự tin tưởng. Feedback có thể giúp cải tiến chất lượng dịch vụ sản phẩm.

CÁC KHÓ KHĂN GẶP PHẢI

  • Khó khăn tới từ doanh nghiệp truyền thống: doanh nghiệp truyền thống như Taxi, khách sạn cho rằng các doanh nghiệp theo nền kinh tế chia sẻ không đảm bảo rằng dịch vụ của họ đạt tiêu chuẩn. Ví dụ phòng trọ, tài xế không phải đi qua những kiểm duyệt. Họ cho rằng điều này khiến cho giá sản phẩm rẻ đi. Đây là cạnh tranh không lành mạnh. Ví dụ: Các tài xế Taxi cho rằng Uber có thể khiến mình mất việc và đi biểu tình tại London, Paris…; Bạo động tấn công taxi Uber tại Seattle.
  • Khó khăn tới từ chính quyền: Chính quyền đưa ra những quy định cấm đoán, cản trở đối với sharing economy, lập luận tương tự như doanh nghiệp. Việc này có thể đến từ tư tưởng bảo thủ có nguyên tắc, hoặc do lợi ích nhóm, hoặc do mối sợ về việc làm sẽ bị ảnh hưởng. Ví dụ: Seattle bắt Uber và Lyft chỉ có dưới 150 xe (từ 3/2014, và 6/2014 thì Uber và Lyft đã thoát); Chicago cấp xe không phải taxi sử dụng GPS để tính tiền.
  • Khó khăn trong thanh toán: Ví dụ, người lao động TaskRabbit (trước khi Pivot) có đến 50% thu nhập được trả ngoài nền tảng, sau khi thỏa thuận với người thuê để không trả qua nền tảng nữa mà trả bằng tiền mặt.
  • Khó khăn trong cần bằng cung cầu: Ví dụ TaskRabbit có số người đi làm vượt trội so với số người thuê làm việc tại một số nơi mà tỉ lệ thất nghiệp cao (New York), dẫn đến cạnh tranh và người làm việc phải chấp nhận tiền lương thấp. Uber gặp phải tình trạng số người lái xe quá ít so với nhu cầu, nhất là tại các thành phố phát triển như San Francisco.
  • Khó khăn tới từ niềm tin người dùng: người dùng chưa quen với việc tin tưởng người khác qua nền tảng, dẫn đến các doanh nghiệp phải để mức bảo hiểm cao (1 triệu USD).
  • Khó khăn với tiếp cận công nghệ: người dùng các nước đang phát triển không có hệ thống công nghệ tốt như: định vị xe ô tô, Internet, location điện thoại chuẩn… Doanh thu của Uber chỉ đến tập trung từ 4 thành phố lớn ở Mỹ, mặc dù nó có mặt tại 42 quốc gia.

Nền kinh tế chia sẻ chưa tới được với đối tượng nghèo trong xã hội: mặc dù các startup đảm bảo tạo việc làm nhưng hóa ra những người trong tầng lớp nghèo, thiếu tool thì cũng rất khó cạnh tranh được. Những công việc tạo ra vẫn không cần bằng cấp, và những sinh viên có bằng cũng như không, phải đi làm việc chất lượng thấp. Đối tượng tham gia nền kinh tế chia sẻ thường có thứ gì có thể chia sẻ, nên vẫn chỉ giới hạn ở đối tượng middle class, thu nhập 50 – 100k USD/ năm. Các đối tượng khác có tham gia nhưng số lượng ít hơn.



Bất chấp những khó khăn, thách thức, xu hướng kinh tế chia sẻ là phát triển tất yếu và tiếp tục bùng nổ trong thời gian sắp tới!

Sưu tầm và tổng hợp
Hà Nội, 2015
www.nguyentrihien.com
Designed by OddThemes | Distributed by Gooyaabi Templates