Cuộc thi quốc gia Thiết kế bài giảng e-Learning 2016 (lần thứ 4)!

Theo thể lệ cuộc thi quốc gia Thiết kế bài giảng điện tử e-Learning lần thứ 4, một mục tiêu Bộ GD&ĐT hướng tới là xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục mở phục vụ dạy, học trong và ngoài nhà trường, phục vụ mục đích học tập suốt đời, học qua mạng, đào tạo từ xa qua mạng.

Theo kế hoạch, các Sở GD&ĐT tỉnh, thành phố hoàn thành việc tổ chức cuộc thi cấp địa phương trước ngày 30/11/2016. Ban tổ chức cuộc thi quốc gia Thiết kế bài giảng e-Learning lần thứ 4 tiếp nhận bài dự thi từ ngày 1/12/2016 đến hết ngày 1/1/2017 theo thông tin ghi trên dấu Bưu điện. Dự kiến trước ngày 10/4/2017 Ban tổ chức sẽ công bố kết quả và giải thưởng cuộc thi; tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc thi vào tháng 5/2017. 


Cuộc thi quốc gia Thiết kế bài giảng e-Learning do Cục CNTT - Bộ GD&ĐT tổ chức dưới sự hỗ trợ của Quỹ Lawrence S.Ting đã diễn ra được 3 kỳ.

Với nội dung dự thi là bài giảng e-Learning chủ đề Dư địa chí Việt Nam và các môn học ở bậc học mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, cuộc thi quốc gia Thiết kế bài giảng e-Learning lần thứ 4 được Bộ GD&ĐT tổ chức trên phạm vi toàn quốc, dành cho giáo viên các trường mầm non, Tiểu học, THCS, THPT, Giáo dục thường xuyên và giảng viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng sư phạm.

Đáng chú ý, theo thể lệ cuộc thi quốc gia Thiết kế bài giảng e-Learning lần thứ 4 mới được Bộ GD&ĐT ban hành, lần đầu tiên việc xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục mở (OER: Open Education Resource) được đưa thành một mục tiêu chính của cuộc thi.

Bên cạnh đó, cuộc thi này cũng nhằm đẩy mạnh phong trào ứng dụng CNTT trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy học một cách sáng tạo, hiện đại, tăng cường tính tích cực và tự học, góp phần đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT; Xây dựng bộ Dư địa chí Việt Nam, tiếp nối kết quả của cuộc thi quốc gia thiết kế bài giảng e-Learning chủ đề Dư địa chí Việt Nam năm 2015; đồng thời tôn vinh trí tuệ, đóng góp của các giáo viên, giảng viên và sinh viên các trường đại học, cao đẳng sư phạm tham gia cuộc thi.

Sự khẳng định về tài nguyên giáo dục mở trở thành nội dung xuyên suốt trong Thể lệ cuộc thi quốc gia Thiết kế bài giảng e-Learning lần thứ 4 này từ mục đích cho tới yêu cầu bài dự thi theo giấy phép tài liệu mở với 2 giấy phép là CC-BY và CC-BY-SA. Do đây là một nội dung hoàn toàn mới nên thể lệ cuộc thi cũng quy định rõ trách nhiệm của Cục CNTT (Bộ GD&ĐT) trong việc chủ trì, tổ chức tập huấn, phổ biến công nghệ soạn bài giảng e-learning, các quy định và giấy phép đối với tài nguyên giáo dục mở (OER) cũng như hỗ trợ kỹ thuật các cơ sở giáo dục đào tạo nếu có nhu cầu.

Sau nhiều năm được giới chuyên gia kêu gọi, tài nguyên giáo dục mở đã lần đầu tiên được Bộ GD&ĐT đưa vào ứng dụng trong giáo dục. Dù chỉ trong phạm vi một cuộc thi, nhưng giá trị to lớn của tài nguyên giáo dục mở được kỳ vọng sẽ giúp lan tỏa tới từng “ngóc ngách” của đời sống và giúp những người dự thi hiểu về tài nguyên giáo dục mở. Với quyết định ban hành thể lệ cuộc thi quốc gia Thiết kế bài giảng e-Learning lần thứ 4 của Bộ GD&ĐT, tới đây hàng ngàn bài giảng của cuộc thi sẽ trở thành kho học liệu mở lớn cho khối giáo dục từ mầm non tới phổ thông trên toàn quốc, giúp đưa Việt Nam lên bản đồ tài nguyên giáo dục mở trên thế giới, đóng góp cho nguồn tài nguyên giáo dục mở bằng tiếng Việt - vốn bị coi là “miền hoang hóa và cằn cỗi” trên không gian mạng.

Về cơ cấu giải thưởng, cuộc thi quốc gia Thiết kế bài giảng e-Learning lần thứ 4 có 2 hệ thống giải theo 2 nhóm chủ đề. Với chủ đề Dư địa chí Việt Nam, bên cạnh 1 giải Đặc biệt trị giá 30 triệu đồng, còn có 3 giải Nhất, 10 giải Nhì, 20 giải Ba,  30 giải Khuyến khích và 100 phần quà lưu niệm dành cho tác giả của những bài dự thi lọt vào vòng chấm chung khảo nhưng không đạt giải. Đối với chủ đề các môn học của các cấp học trong chương trình giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, cơ cấu giải thưởng gồm 1 giải Đặc biệt trị giá 30 triệu đồng, 10 giải Nhất, 15 giải Nhì, 30 giải Ba, 50 giải Khuyến khích và 200 phần quà lưu niệm.


Nguyễn Trí Hiển
www.nguyentrihien.com
2016
cuộc thi giáo dục trực tuyến, thi bài giảng, bài giảng online, 

Designed by OddThemes | Distributed by Gooyaabi Templates